10 trường tiểu học Hà Nội ứng dụng mô hình STEM trong năm học mới

Việc thí điểm sẽ là nền tảng để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 trong thời gian tới.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội được chọn là 1 trong 7 địa phương tham gia thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học.

Để đảm bảo thực hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chọn 10 trường tiểu học ở 5 quận, huyện để triển khai thí điểm giáo dục STEM gồm: Tràng An, Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm); Thịnh Hào, Văn Chương (quận Đống Đa); Dương Xá, Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm); Tây Đằng B, Phú Sơn (huyện Ba Vì); Hồng Sơn, Xuy Xá (huyện Mỹ Đức).

Theo đó, khác với các hoạt động giáo dục STEM theo cách thức tự phát, hoạt động chủ yếu là ngoại khóa, mô hình giáo dục STEM cấp tiểu học đem đến cho cán bộ, giáo viên của các nhà trường những kiến thức, kỹ năng cơ bản để triển khai bài bản, hiệu quả, giúp học sinh nâng cao kỹ năng ứng dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề cuộc sống.

Đây cũng là mô hình sẽ được đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường, triển khai trong chương trình chính khóa, hỗ trợc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học.

Cùng với kế hoạch đặt ra, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm, tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất bảo đảm cho việc triển khai thí điểm giáo dục STEM đạt hiệu quả.

ky-thi-tot-nghiep-thpt2022-nguoiduatinvn-70-1664262253.jpeg

Mô hình STEM kết hợp lý thuyết và ứng dụng thực tế.

Giai đoạn triển khai thí điểm kéo dài từ nay đến tháng 12/2022, sau đó, Ban chỉ đạo thực hiện giáo dục STEM của Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức tổng kết, làm căn cứ nhân rộng mô hình này tới các trường học khác trên địa bàn thành phố từ học kỳ II năm học 2022-2023.

Trước đó (24/9), Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức tập huấn triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học với sự tham gia của gần 600 cán bộ quản lý các phòng giáo dục và đào tạo và giáo viên của 10 trường tiểu học thực hiện thí điểm.

Tại chương trình, các nhà giáo được trực tiếp nghe phổ biến những nội dung cơ bản về giáo dục STEM cấp tiểu học, bao gồm mục tiêu, ý nghĩa, vai trò của giáo dục STEM đối với học sinh tiểu học; quy trình tổ chức hoạt động giáo dục STEM; hình thức tổ chức hoạt động giáo dục STEM...

Các thầy cô cũng hiểu thêm về mối quan hệ giữa giáo dục STEM với một số phương pháp, hoạt động giáo dục khác; cách thức tổ chức và đánh giá học sinh trong giáo dục STEM.

STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến (các lĩnh vực) khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.