Bố mẹ “tiếp sức” đúng cách, con “vượt vũ môn” nhẹ nhàng, hiệu quả

Các chuyên gia giáo dục đã gợi ý những phương pháp “tiếp sức” đúng cách cho bố mẹ, cùng con “vượt vũ môn” một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả.

Cứ gần đến kỳ thi vào THPT và thi THPT quốc gia, nhiều học sinh lại phải đi khám tâm lý, nguyên nhân cũng bởi áp lực chuyện thi cử. Bên cạnh đó, nhiều học sinh còn phải chịu áp lực từ chính bố mẹ, gia đình.

bo-me-tiep-suc-dung-cach-con-vuot-vu-mon-nhe-nhang-hieu-qua-1685691772.jpeg
Bố mẹ "tiếp sức" cho con trước khi bước vào phòng thi.

Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, đã hết sức tạo điều kiện cho con học, nhất là trong giai đoạn “nước rút” này. Bố mẹ không bắt con làm việc nhà, luôn quan tâm, động viên, hỏi xem con muốn ăn gì, có nhu cầu gì…. Liệu việc quan tâm của bố mẹ như vậy đã đúng cách? PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục để cùng giải đáp thắc mắc này cũng như gợi ý những phương pháp “tiếp sức” đúng cách cho bố mẹ, cùng con “vượt vũ môn” một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả.

Theo quan điểm của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội): Cha mẹ cần ý thức rằng đây là một giai đoạn dễ tổn thương với con. Bố mẹ cần để ý đến những triệu chứng khi con căng thẳng quá mức như liên tục đau đầu, đau bụng và khó ngủ; các suy nghĩ tiêu cực như “Mình sẽ trượt”, “Mình sẽ không bao giờ vào được đại học/kiếm được một công việc tốt nếu mình thi không tốt,” và “Cha mẹ sẽ thất vọng về mình”; thể hiện qua tâm trạng lo lắng, kích động, chán nản hoặc khó tập trung; các hành vi như ngủ quên, cuồng ăn hoặc tự gây hại, gây thương tích cho bản thân.

bo-me-tiep-suc-dung-cach-con-vuot-vu-mon-nhe-nhang-hieu-qua-1-1685691772.jpeg
 PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội).

Thay vào đó, bố mẹ hãy giúp con hướng về kỳ thi một cách tự tin. Cha mẹ dẫu lo lắng thì cũng phải trở thành một "hoạt náo viên", “khích lệ viên” thay vì một “đe dọa viên” thể hiện qua biểu cảm lo lắng hoặc lời nói than phiền về tỉ lệ chọi hay bàn quá nhiều về kỳ thi, đề thi.

Đặc biệt, PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên tới phụ huynh: Hãy nhấn mạnh với con rằng kỳ thi là một việc phải làm, nó khá quan trọng nhưng cũng không quan trọng bằng sức khỏe tinh thần của con. Điểm thi không định nghĩa một người thành công hay không. Chính con quan trọng hơn điểm số rất nhiều. Cha mẹ đừng nói về thành tích hay hậu quả mà hãy nhấn mạnh vào những nỗ lực mà con đã đạt được.

Cuối cùng, cha mẹ có thể hỗ trợ con sắp xếp thời gian biểu, cùng con phân bổ công việc, chia nhỏ các nhiệm vụ để con có thể dễ dàng hoàn thành.

Con dưới góc nhìn của TS. Vũ Thu Hương – chuyên gia giáo dục, cô chia ra làm 3 nhóm phụ huynh. Đầu tiên, có một số ít bố mẹ coi việc học hành, thi cử của con là bình thường, để cho con tự trải nghiệm, tự vượt qua.

Còn lại một bộ phận không nhỏ những phụ huynh lại quan tâm một cách thái quá, thậm chí gây áp lực cho con, không hướng con thi vào đúng với nguyện vọng, khả năng của con mà thi theo nguyện vọng của bố mẹ; để đẹp cho gia đình.

“Vẫn là câu chuyện “bệnh” thành tích, con phải đạt điểm cao, con phải đỗ trường “sịn”…, chứ không phải là chỉ cần con vượt qua được khó khăn của con, vượt qua được thử thách của con”, TS. Hương nói.

Còn có những phụ huynh thì né tránh luôn kỳ thi này, cho con vào những trường dân lập, trường liên kết, không phải họ thương con mà là sợ áp lực cho chính mình, sợ phải trả lời bạn bè, người thân rằng “con thi được bao nhiêu điểm?”, “con học vào trường nào?”…. Và theo quan điểm của TS. Hương thì cả hai nhóm phụ huynh như vậy đều không ổn.

Theo quan điểm của chuyên gia giáo dục, thực chất kỳ thi không phải là một thứ gây ra khó chịu cho con trẻ, mà đó là điều kiện để một đứa trẻ trưởng thành, bước tiếp lên một “nấc thang mới” sau khi đã nỗ lực học tập trong suốt một quá trình dài.

Hay nói cách khác, sau mỗi kỳ thi như vậy, trẻ trưởng thành lên rất nhiều bởi tự các bạn phải dẹp bỏ những cảm xúc cá nhân, tự mình điều chỉnh bản thân cho chuẩn hơn, tốt hơn, như vậy mới nói là “cá chép hóa rồng”, chính các bạn phải tự vượt qua khó khăn, vượt qua kỳ thi thì mới trưởng thành.

Và theo kinh nghiệm thực tiễn, rất nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục, TS. Vũ Thu Hương cho rằng, rất ít phụ huynh hiểu rõ được giá trị của kỳ thi, hiểu rõ được là cần làm gì để hỗ trợ con.

Hiểu được điều này, bố mẹ không nên nhắc nhở, thúc giục quá nhiều, thậm chí không động viên quá mức, cứ để cuộc sống trôi qua bình thường. Khi trẻ thấy mọi thứ đều bình thường thì áp lực đối với trẻ giảm đi rất nhiều. Có nhiều học sinh tâm sự với chuyên gia rằng rất sợ khi kỳ thi đến, lúc đó bố mẹ sẽ chiều chuộng, hỏi con muốn ăn gì, dỗ ngủ, không bắt con phải làm nhiều việc nhà như mọi ngày… tất cả những hành động đó khiến con cảm thấy áp lực, sợ hơn rất nhiều.

Hiện các trường đều có các nguyện vọng, mức một, hai, ba; bố mẹ có thể tư vấn cho con chọn vào nguyện vọng hơi với một chút để con cố gắng. Nếu nỗ lực, con sẽ đạt nguyện vọng một, nếu con không nỗ lực thì sẽ bị tụt xuống nguyện vọng hai. Vai trò của bố mẹ là tư vấn để con hiểu được điều như thế. Để làm được điều này thì bố mẹ phải quản lý được cảm xúc của chính mình, quản lý được kỳ vọng của mình vào con cái.

“Điều quan trọng của một đứa trẻ cần là những tính cách về sau, trẻ có chủ động hay không, có tự lập hay không, có chăm chỉ, có nghiêm túc hay không đó mới là điều quan trọng; kết quả kỳ thi không phải là điều quan trọng nhất. Bố mẹ nên xác định là mình cần kỳ thi đó để rèn luyện con mình chứ không đặt nặng về kết quả của kỳ thi”, TS. Vũ Thu Hương cho hay.