Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đối diện nhiều khó khăn, thách thức

Việc chuyển đổi số đối với các lĩnh vực nói chung và giáo dục đại học nói riêng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: việc hạn chế trong nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, thiếu kiến thức về năng lực công nghệ số,...

Ngày 10/11, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN), Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức Hội thảo “Năng lực số cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đại học”.

Hội thảo cung cấp thông tin về thực trạng, tầm quan trọng của năng lực số đối với công dân thế kỷ XXI, đồng thời thảo luận những thuận lợi, khó khăn và các chiến lược tiềm năng để thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học nâng cao năng lực số cho sinh viên.

Phát biểu khẳng định tính cấp thiết, thời sự nhưng cũng lâu dài của chuyển đổi số trong giáo dục, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), TS Nguyễn Sơn Hải cho biết, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 749/QĐ-TTg "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trong đó đã nhấn mạnh một mục tiêu rất quan trọng là phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hơn nữa, dịch COVID-19 bùng phát đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với mọi mặt đời sống cũng góp phần là một nhân tố khách quan thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực trong đó có giáo dục đại học.

chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dai-hoc-doi-dien-nhieu-kho-khan-thach-thuc-dspl-3-1668130939.jpeg

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ GD&ĐT.

Trong bối cảnh đó, nhiều hoạt động giáo dục đại học được triển khai thông qua công nghệ và nền tảng số, đồng thời mở ra nhiều cơ hội đối với sinh viên trong quá trình đào tạo và tự đào tạo. Từ đó cho thấy: chuyển đổi số có nhiều ưu điểm nổi bật như: mở rộng đối tượng người học; giảm chi phí đào tạo; tạo môi trường học có tương tác, nâng cao trải nghiệm học tập cho người học, cá nhân hóa quá trình học, hỗ trợ nâng cao hiệu quả của công tác giảng dạy, công tác quản lý, giáo vụ…

"Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đối với các lĩnh vực nói chung và giáo dục đại học nói riêng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: việc hạn chế trong nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, thiếu kiến thức về năng lực công nghệ số, tâm lý e ngại trong an ninh và bảo mật thông tin, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đủ đáp ứng", Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải nêu quan điểm.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, để đáp ứng được chuyển đổi số, bên cạnh những đòi hỏi về hạ tầng công nghệ, thiết bị, phần mềm giảng dạy và học tập thì đòi hỏi cán bộ quản lý, giảng viên và đặc biệt là người học cần phải có tư duy thích ứng và chấp nhận những thay đổi của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo, biết cách ứng dụng công nghệ vào thực tiễn một cách phù hợp.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN cho biết, việc nâng cao kỹ năng số cho sinh viên và người đi làm là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số tai Việt Nam.

chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dai-hoc-doi-dien-nhieu-kho-khan-thach-thuc-dspl-2-1668130975.jpeg

GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, vào năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó giáo dục là lĩnh vực cần được ưu tiên để chuyển đổi số. Với lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số thực sự mang lại những thay đổi to lớn cho mọi mặt hoạt động của đào tạo, nghiên cứu và quản trị trong các Nhà trường.

Để tiến tới đạt mục tiêu 3 trụ cột trong chuyển đổi số quốc gia là kinh tế số, chính phủ số và xã hội số thì việc đào tạo và nâng cao nâng cao năng lực số cho nguồn nhân lực đóng vai đặc biệt quan trọng. Trong đó có lực lượng lao động chất lượng cao là sinh viên.

Tuy nhiên, các đánh giá từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế cho thấy, năng lực số của nguồn nhân lực nói chung và năng lực số của sinh viên Việt Nam nói riêng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của chuyến đổi số. Do vậy, cần có những nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực số cho lực lượng lao động này ngay từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cho ý kiến tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, những biến chuyển lớn của toàn bộ nền kinh tế đang khiến cho năng lực số của người trẻ ngày một trở nên thiết yếu đối với những mục tiêu dài hạn ấy. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sắp tới, chuyển đổi số sẽ là một trong những xu hướng nổi bật về lao động và các trường đại học sẽ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng thông qua khả năng ảnh hưởng đến cộng đồng.

Các doanh nghiệp sẽ đầu tư hướng đến nhóm nhân viên là thế hệ lao động trẻ với khả năng nhạy bén hơn về kỹ thuật số, có yêu cầu sắp xếp công việc linh hoạt hơn. Vấn đề cấp thiết đặt ra là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực số phù hợp, có khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số và linh hoạt trước mọi biến đổi của thị trường lao động.

Do đó, nâng cao năng lực số giờ đây là bài toán chung của toàn xã hội, chúng ta hiện đang có một dân số trẻ, giàu tiềm năng, đã hội tụ nhiều điều kiện phù hợp để tập trung phát triển năng lực số.

chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dai-hoc-doi-dien-nhieu-kho-khan-thach-thuc-dspl-1-1668131014.jpeg
Ảnh: minh họa

PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, việc cần làm là khẳng định tầm quan trọng của năng lực số đối với các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh, xem xét tác động của các chính sách ở tầm vĩ mô đối với sự phát triển năng lực số của công dân, nhất là thanh thiếu niên, kêu gọi sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các nhóm nghiên cứu. Năng lực số cần được đưa vào chương trình giảng dạy ở các bậc học khác nhau, với nhiều cấp độ tiếp cận khác nhau, và thường xuyên có các chương trình khảo sát, đánh giá năng lực số của công dân dựa trên các khung năng lực số tương ứng với các nhóm đối tượng cụ thể.