Công nhận Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội thành Giám đốc

Sáng 17/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao các quyết định công nhận Chủ tịch hội đồng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 được công nhận là Chủ tịch Hội đồng Đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 được công nhận là Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, PGS.TS Trần Ngọc Khiêm - các Phó Hiệu trưởng nhà trường được chuyển thành Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.

Buổi lễ cũng trao các nghị quyết chuyển chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng, Phó giám đốc đại học, Thư ký hội đồng và Kế toán trưởng.

Với dấu mốc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Đây là dấu ấn của sự phát triển. Một chữ "trường" và một chữ "đại học", tuy chỉ là ngôn từ nhưng có sự khác biệt rất lớn và thể hiện một sự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với quy định của pháp luật.

cong-nhan-hieu-truong-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-thanh-giam-doc-1679190482.jpeg

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trao các quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng Đại học và Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Lao động)

Theo Bộ trưởng, Hội đồng cần phải có bước kiện toàn trong thời gian sắp tới vì Hội đồng của một trường và Hội đồng một đại học nhiều cấp là khác nhau; cần có sự điều chỉnh để có sự tham dự và đại diện của các đơn vị thành viên, các trường và các đơn vị cấp dưới.

Do đó, ĐH Bách khoa Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ cấu đại học nhiều cấp với cấu trúc chặt chẽ của quản trị hiện đại. Cần hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài, hoàn thiện lại quy chế tổ chức và hoạt động… Mô hình đại học là mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành. ĐH Bách khoa cần xác định chặng đường đổi mới của mình.

“Sự chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học không phải và tránh là một xu hướng mà phải xem đây là công cụ để giải phóng cho sức sáng tạo từ bên trong, giải pháp cho các năng lực sáng tạo bằng một cơ chế mới”- Bộ trường nhấn mạnh.

ĐH Bách khoa cần phải đi đầu trong việc thực hiện tự chủ. ĐH tự chủ đầy đủ, tự chủ có chiều sâu, tự chủ trong một giai đoạn mới, vừa theo thông lệ của thế giới, vừa phù hợp với đặc điểm chính trị, xã hội, kinh tế, con người, văn hóa của Việt Nam.

Được biết, ĐH Bách khoa Hà Nội là trường đầu tiên được Thủ tướng ký quyết định chuyển tên gọi từ trường thành Đại học.

Tháng 12/2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành ĐH Bách khoa Hà Nội theo quyết định của Chính phủ. Với quyết định này, Việt Nam hiện có 6 đại học, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Bách khoa Hà Nội.

Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có 1.785 cán bộ, trong đó có 1.065 cán bộ giảng dạy cơ hữu, 805 cán bộ có trình độ tiến sĩ chiếm 76,3%, trong số đó có 279 GS/PGS, chiếm 26,19%. Năm 2022, trường có 16 PGS và 2 GS được công nhận đạt chuẩn.

Theo Bảng xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) 2023, Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 33% các đại học tốt nhất châu Á. Tổ chức QS xếp Bách khoa Hà Nội vào nhóm các trường đại học công có quy mô đào tạo rất lớn và mức độ nghiên cứu rất cao. Trong Bảng xếp hạng đại học khu vực Đông Nam Á mới được công bố năm nay, Bách khoa Hà Nội xếp thứ 54 trong số các đại học tốt nhất của khu vực.