"Cứ 3 người thì 2 người cố gắng không cần dùng tiền mặt"

Lượng ngày người tiêu dùng không dùng tiền mặt và quản lý chi tiêu của mình không dùng tiền mặt là 13,7 ngày, 50% thành công trong việc sử dụng không dùng tiền mặt.

Trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt năm 2022 do Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức, hội thảo - triển lãm chủ đề "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt" diễn ra chiều 17/6 với sự góp mặt của nhiều chuyên gia đến để bàn luận về thách thức của việc chuyển đổi số ngân hàng hiện nay.

66% người trưởng thành có tài khoản thanh toán

Về chuyển đổi số ngành ngân hàng, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước luôn coi cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng trong chuyển đổi số của ngành nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng, đảm bảo an ninh an toàn lợi ích cho người dân.

Theo ông Dũng, mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước đặt ra 50-70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng…

Năm qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành 2 thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử cho phép người dân trong điều kiện giãn cách nhưng vẫn mở tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán bình thường.

Đến nay, tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

le-anh-dung-1655451324721789495390-1655477873.jpeg

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước.

Với tư cách là người làm chính sách về thanh toán và người dùng dịch vụ, ông Dũng cho biết điều mà nhiều người dễ nhận thấy trong 2 năm qua là dịch Covid-19 xuất hiện đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng các dịch vụ trực tuyến gắn với thanh toán điện tử trực tuyến.

“Không chỉ với tôi mà nhiều người trong gia đình tôi, việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến gắn với thanh toán không dùng tiền mặt như gọi xe công nghệ, gọi đồ ăn/giao hàng qua app, mua hàng hóa, dịch vụ trên các nền tảng thương mại điện tử lớn, thanh toán không tiếp xúc tại các điểm bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa... đã quá quen thuộc”, ông nói.

“Bởi tiêu dùng trực tuyến gắn với thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ hạn chế, phòng ngừa dịch bệnh mà còn quá thuận tiện cho người tiêu dùng. Đến nay, nó đã trở thành thói quen thường nhật của tôi và rất nhiều người thân trong gia đình. Do đó, việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động chi tiêu thường nhật giảm đáng kể”, ông tiết lộ thêm.

Ngành thuế chuyển đổi số

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết cơ quan thuế đã xây dựng quy trình hệ thống tiếp nhận, xử lý, phối hợp Kho bạc nhà nước trong thanh toán hoàn thuế điện tử.

Về nộp thuế điện tử, ông Minh cho hay, ngành thuế đã xây dựng và ban hành quy trình, ký kết quy chế phối hợp với các đơn vị trong dịch vụ, xây dựng hệ thống, kết nối với các ngân hàng thương mại xây dựng dịch vụ nộp thuế.

dang-ngoc-minh-1655456955939801411476-1655477848.jpeg

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế.

Phối hợp Ban cơ yếu chính phủ cung cấp giải pháp kỹ thuật cho chữ ký số, Kho bạc nhà nước về việc trao đổi thông tin số thu, nhận và hạch toán nghĩa vụ thuế, chuyển/đối chiếu thông tin số nộp thuế với cơ quan thuế…

Tính đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 800.007, đạt tỉ lệ 98,76% trên tổng số 809.307 doanh nghiệp đang hoạt động.

Cứ 3 người thì 2 người cố gắng không cần dùng tiền mặt

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam - Lào cũng đã trình bày sự khác biệt giữa thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam so với các nước.

Bà Dung cho biết, tại khu vực Đông Nam Á, những năm gần đây tỉ lệ người dân sử dụng cùng một lúc rất nhiều hoặc một trong các phương thức không dùng tiền mặt như thẻ hay ví trên mobile… lên tỉ lệ rất cao trung bình khoảng 93%, trong đó, Việt Nam 95%, Singapore khoảng 97%, Malaysia là 96%.

"Với Việt Nam tỉ lệ tiếp cận internet, smartphone rất cao là lợi thế, tác động vào hành vi người tiêu dùng chuyển đổi sang không dùng tiền mặt", bà Dung nói.

Bà dung tiết lộ, số lượng ngày người tiêu dùng không cần dùng tiền mặt và có thể quản lý chi tiêu của mình không dùng tiền mặt thì với Việt Nam là trung bình khoảng 13,7 ngày và nằm trong top đầu, và cứ 3 người thì 2 người cố gắng sử dụng không cần dùng tiền mặt, đồng thời 50% là thành công trong việc sử dụng không dùng tiền mặt.

ba-dung-16554595959551727222269-1655477827.jpeg

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Quốc gia Visa Việt Nam - Lào cũng đã trình bày sự khác biệt giữa thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam so với các nước.

"Thị trường Việt Nam đã có rất nhiều giải pháp thanh toán với công nghệ mới. Visa cũng đẩy mạnh đưa nền tảng công nghệ thanh toán không tiếp xúc vào Việt Nam", bà Dung nói thêm.

Trước câu hỏi rào cản khó khăn nhất khi triển khai không tiền mặt ở Việt Nam, bà Đặng Tuyết Dung nói, không phải khó khăn của mỗi Visa mà còn là cơ hội.

Theo bà Dung, thách thức lớn nhất là nhận thức của người tiêu dùng, doanh nghiệp về chuyển đổi số, ứng dụng các chuyển đổi số trong hoạt động hàng ngày của mình.

Bà Dung nói, dù tăng trưởng chuyển đổi số vượt bậc nhưng vẫn có những quan ngại khi sử dụng phương thức không dùng tiền mặt về bảo mật, sử dụng thẻ không quản lý được chi tiêu…

"Do vậy, cần giúp cho người tiêu dùng có nhận thức tốt hơn, có lòng tin, nhìn thấy giá trị lâu dài, bền vững", bà Dung nhấn mạnh. Bà Dung chỉ rõ cần thực hiện đơn giản hóa, nhưng an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng.

Tại buổi hôm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng tham dự và có bài phát biểu. Theo Thống đốc, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển lẫn đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh số hóa sâu rộng các ngành, lĩnh vực và sự nổi lên của các hoạt động gắn liền với nền kinh tế số.

Từ những nỗ lực của toàn ngành, thực tế thời gian qua hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Ứng dụng mobile banking, ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như thanh toán hoá đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch…

Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…

Đến nay tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản mobile money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa