Lăng kính chứng khoán 3/2: Rủi ro trong ngắn hạn vẫn tiềm ẩn

Nhà đầu tư tạm thời giữ vị thế quan sát và không mua mới,đối với nhà đầu tư có tỉ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng nhịp hồi để bán chốt lời hiện thực hoá lợi nhuận

Sự giằng co ở nhóm vốn hoá lớn làm thị trường chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu, thanh khoản thấp do tâm lý thận trọng từ phiên giảm hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/2, VN-Index tăng nhẹ 1,62 điểm, tương đương 0,15% lên 1.077,59 điểm. Toàn sàn có 111 mã tăng, 308 mã giảm và 49 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,7 điểm, tương đương 0,32% về 215,31 điểm. Toàn sàn có 59 mã tăng, 104 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,05 điểm xuống 74,88 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 16 mã tăng giá.

Thanh khoản thị trường giảm sút so với phiên hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên hôm nay đạt 12.817 tỷ đồng, giảm 36% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 37% về 11.052 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 4.687 tỷ đồng.

anh-man-hinh-2023-02-02-luc-231414-1675394721.png

P/E các chỉ số chính (Nguồn: BVSC).

Chưa có dấu hiệu tạo đáy

Chứng khoán VCBS: Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng nến tại vùng tham chiếu tạo 1 cây Spining Top với khối lượng có phần sụt giảm cho thấy sự giằng co giữa bên mua và bên bán. Tuy nhiên, với việc 2 chỉ báo RSI và MACD tại khung đồ thị giờ vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy đầu tiên nên rủi ro trong ngắn hạn vẫn còn đang tiềm ẩn.

Nếu tình hình không được cả thiện, khu vực 1.050 sẽ là hỗ trợ gần nhất của thị trường, đây cũng là vùng điểm đã có chuỗi phiên tích lũy và giao cắt với đường MA20. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư trong ngắn hạn tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thị trường tạo điểm cân bằng trước khi xem xét việc mở mới giao dịch ở thời điểm hiện tại.

Giai đoạn điều chỉnh là cơ hội giải ngân tốt

Chứng khoán SHS: Phiên dao dịch 2/2 đem đến hy vọng những phiên giảm điểm vừa qua chỉ là điều chỉnh và thị trường đang trong sóng hồi, hướng tới khu vực tích lũy ổn định trước khi có thể hình thành uptrend. Do đó, việc thị trường có biến động (tăng/giảm) mạnh trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục từ đáy là diễn biến bình thường, sau một số giai đoạn biến động mạnh sẽ tới giai đoạn VN-Index biến động hẹp dần và đi vào tích lũy.

Theo góc nhìn ngắn hạn, ngưỡng 1.000 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ cho đợt điều chỉnh này để đảm bảo VN-Index không quay trở lại xu hương downtrend và SHS vẫn kỳ vọng sau điều chỉnh VN-Index sẽ hướng tới mục tiêu 1.150 điểm.

Về dài hạn, thị trường vẫn đang dao động trong biên độ mạnh của quá trình hồi phục đầu tiên sau khi thoát downtrend, điểm tích cực là VN-Index vẫn vận động cách xa khu vực hỗ trợ và chưa có tín hiệu có thể trở lại xu hướng tiêu cực mặc dù các phiên điều chỉnh mạnh vẫn đang diễn ra, SHS kỳ vọng thị trường sẽ dần ổn định lại trong trạng thái tích lũy trong thời gian tới. Các cơ hội giải ngân trong giai đoạn này vẫn xuất hiện đối với cả trường phái đầu tư ngắn, trung - dài hạn. Các giai đoạn điều chỉnh của thị trường vẫn sẽ tạo ra cơ hội giải ngân tốt.

Rủi ro tiếp tục điều chỉnh vẫn đang hiện hữu

Chứng khoán BVSC: VN-Index hồi phục nhẹ trong phiên hôm nay nhưng chưa vượt trở lại vùng 1.085-1.100 điểm. Điều này hàm ý rủi ro tiếp tục điều chỉnh về các vùng hỗ trợ sâu hơn của thị trường vẫn đang hiện hữu. BVSC vẫn giữ quan điểm cho rằng nền tảng hỗ trợ thị trường năm nay là yếu tố định giá thấp.

Do đó, các nhịp giảm điểm của thị trường sẽ lại mở ra các cơ hội đầu tư tốt khi giá cổ phiếu về lại các vùng định giá hấp dẫn trong ngắn hạn. Nhà đầu tư tạm thời giữ vị thế quan sát thị trường và không mở các vị thế mua mới. Đối với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để thực hiện bán chốt lời hiện thực hóa lợi nhuận

Vùng 1.050-1.060 là điểm hỗ trợ xu hướng hồi phục

Chứng khoán TPS: VN-Index đóng của với mẫu hình nến thân nhỏ thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư khi áp lực chốt lời hạ nhiệt với việc chỉ số đã ở gần vùng hỗ trợ 1.050-1.060 điểm (các đường MA quan trọng hiện diện cùng trendline giảm bắt đầu từ tháng 4/2022) trong khi bên mua hạn chế tham gia sau phiên chỉnh mạnh trước đó.

Xét về thanh khoản, mặc dù có mức giảm tương đối lớn so với phiên tăng đột biến trước đó thì khối lượng giao dịch khớp lệnh của chỉ số vẫn duy trì trên mức trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy dòng tiền vẫn được giao dịch sôi động. Hiện tại, vùng 1.050-1.060 điểm vẫn sẽ là hỗ trợ quan trọng cho xu hướng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn. Nếu vùng này vẫn được giữ vững thì VN-Index sẽ có cơ hội test lại ngưỡng Fibonacci Retracement 61,8%