Phát triển văn hóa kinh doanh: Doanh nhân Việt có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác

Để gia nhập và sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, Việt Nam cần có kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng, trong đó có văn hoá kinh doanh. Giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của 2 nhiệm vụ này – Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
vci-3-1107-medium-1665472299.jpeg

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người, giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước. Chúng ta đã có những doanh nhân lọt vào danh sách "tỷ phú đô-la" của thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu.

“Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chúng ta tự hào khi hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu. Đất nước ta đang đứng trước những cơ hội, mục tiêu và khát vọng phát triển to lớn như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra: đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Như vậy, chỉ còn hơn 20 năm nữa để đạt được mong ước của Bác Hồ là Việt Nam “sánh vai các cường quốc 5 châu”.

screenshot-114-1110-1665472317.jpeg

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu

Theo ông Phạm Tấn Công, để gia nhập và sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, chúng ta cần có cả 2 điều: kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng, trong đó có văn minh, văn hoá kinh doanh. Giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của 2 nhiệm vụ này. VCCI nhận thấy đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lịch sử cho sự phát triển của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới. Bên cạnh yêu cầu phát triển của đất nước, đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh còn có ý nghĩa trực tiếp đối với từng doanh nhân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp phải phát huy mọi nguồn lực để tồn tại và cạnh tranh thành công, nhiều khi chỉ hơn nhau một chút cũng quyết định sự thắng thua, thành bại.

Doanh nghiệp các nước phát triển đang phát huy rất tốt nguồn lực đạo đức, văn hoá kinh doanh. Các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường các nước phát triển. Việc hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thường được thị trường chấp nhận trả giá cao hơn cho thấy giá trị kinh tế của uy tín, đạo đức, văn hoá kinh doanh.

Chủ tịch VCCI thông tin, ở nước ta, nguồn lực sức mạnh từ đạo đức, văn hoá kinh doanh chưa được quan tâm phát huy xứng đáng. Cá biệt còn có những cá nhân kinh doanh phi đạo đức, vì lợi ích riêng gây hại cho cả xã hội và tổn thất lớn cho uy tín của giới doanh nhân, doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia. Do vậy VCCI xác định, xây dựng và thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh tiến bộ vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới