Ngành hàng không sẽ lấy lại vị thế vào 2023 -2024

Theo VCSC, 2 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietjet Air và Vietnam Airlines sẽ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận dương trong mảng vận tải vào năm 2023-2024

Chứng khoán Bản Việt (mã chứng khoán: VCI) đưa ra dự báo tích cực về sự phục hồi của ngành hàng không trong giai đoạn 2022 – 2026 sau khi Nhà nước dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại và nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh, chuyến bay được khôi phục vào năm 2022.

Hoạt động vận tải hàng không trong nước đã vượt mức năm 2019 trong 7 tháng đầu năm 2022. Theo Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN), tổng số lượng chuyến bay trong 7 tháng tương đương 86% con số ghi nhận trong cùng kỳ năm 2019.

Theo dữ liệu từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tổng lượt hành khách trong nước tại các nhà ga trong nước (trừ sân bay Vân Đồn) 7 tháng đầu năm đạt 52 triệu lượt, tăng 117% so với cùng kỳ 2019. Mức tăng được thể hiện rõ nét hơn trong mùa hè với lượt hành khách trong nước trong các tháng 4/5/6/7 năm 2022 tương ứng 119%/133%/139%/141% so với con số trong các tháng tương ứng trong năm 2019.

anh-chup-man-hinh-2022-09-27-luc-140034-1664273229.png

Lượt hành khách trong nước theo tháng tại các sân bay của ACV (2022 vs 2019) (Đơn vị:nghìn lượt) (nguồn: CAAV, VCSC)

Nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh nhờ xu hướng "du lịch bù" sau Covid-19 củng cố đà phục hồi của hàng không trong nước. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, số lượng khách du lịch trong nước của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay cao hơn 37% cùng kỳ năm 2019. Do đó, VCSC kỳ vọng hoạt động vận tải hành khách bằng đường hàng không trong nước của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu du lịch mạnh mẽ trong tương lai.

Theo đó, VCSC dự báo lưu lượng vận chuyển trong nước của 2 hãng hàng không lớn của Việt Nam (Vietnam Airlines và Vietjet Air) sẽ lần lượt vượt qua mức trước dịch Covid-19 vào năm 2022 là 14%/20% do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong nước đã tăng trưởng mạnh trong giai đoạn phục hồi ban đầu.

Trong khi đó, đà phục hồi vận tải hàng không quốc tế diễn ra khá chậm, VCI cho rằng, do chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của Trung Quốc - nguồn khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam trước đại dịch, ngoài ra còn bởi Nhật Bản tiếp tục các yêu cầu tái nhập cảnh nghiêm ngặt và chính sách mở cửa còn hạn chế.

Dựa trên dự báo hiện tại, VCSC nhận định lượng khách quốc tế chung của HVN và VJC (tính theo RPK) vào năm 2022 sẽ bằng 34% con số trước dịch COVID-19 so với 33% trong dự báo trước đó.

anh-chup-man-hinh-2022-09-27-luc-131639-1664273265.png

Giá nhiên liệu máy bay và dầu Brent trong giai đoạn từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2022 (Đơn vị: USD/thùng) (nguồn: VCSC)

Về nguồn nhiên liệu, giá dầu Brent trong 8 tháng đầu năm 2022 đã tăng 55% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá dầu đã bắt đầu hạ nhiệt từ cuối tháng 6 do lo ngại nguy cơ suy thoái toàn cầu và dự báo nhu cầu dầu thấp hơn. Giá dầu đã giảm dưới 91 USD/thùng tính đến 16/9, giảm 25% so với mức đỉnh trong tháng 6/2022.

VCI cho rằng giá dầu thô cao hơn sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của các hãng hàng không. Theo dự báo của công ty chứng khoán, giá dầu Brent đạt lần lượt 95/90/75/75 USD/thùng vào năm 2022/2023/2024/2025.

Tuy nhiên, Chứng khoán Bản Việt cũng giảm các giả định về biên chênh lệch giữa giá dầu thô Brent và giá nhiên liệu máy bay vào các năm 2022/2023/2024/2025 xuống 28/15/15/10 USD/thùng so với 34/18/18/10 USD/thùng trong các báo cáo cập nhật trước.

Về doanh nghiệp, đội ngũ phân tích của VCSC kỳ vọng hãng hàng không giá rẻ VJC sẽ bắt đầu báo cáo lợi nhuận dương trong mảng vận tải vào năm 2023, trong khi hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ HVN sẽ chỉ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận ròng vào năm 2024, chủ yếu là do chi phí nhiên liệu cao và cơ sở chi phí tương đối cao

Minh Khôi

Link nội dung: https://hd24h.vn/nganh-hang-khong-se-lay-lai-vi-the-vao-2023-2024-a13927.html