Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa trái chiều, cà phê gần về mốc 40.000 đồng/kg

Trong tuần qua, giá lúa có sự biến động trái chiều ở một vài địa phương. Giá cà phê tiếp tục giảm mạnh, dần tiến về mốc 40.000 đồng/kg trong tuần qua.

Giá lúa tăng giảm trái chiều ở một vài địa phương

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa IR 50404 giảm 200 đồng/kg còn ở mức 5.800 đồng/kg; Jasmine cũng giảm ở mức tương tự còn 6.900 đồng/kg. Riêng OM 4218 là 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Giá lúa tại Sóc Trăng cũng có sự tăng/giảm trái chiều ở một số loại như: Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg. Tuy nhiên, lúa ST 24 lại giảm 200 đồng/kg, còn 8.000 đồng/kg; riêng OM 4900 vẫn ổn định ở mức 6.700 đồng/kg.

Tại Bến Tre, giá lúa ST là 7.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; còn IR 50404 tăng 100 đồng/kg lên 5.600 đồng/kg.

Giá lúa ở Tiền Giang hầu như ổn định như: Jasmine là 7.200 đồng/kg; OC ở mức 6.000 đồng/kg. Nhưng lúa IR 50404 tăng 100 đồng/kg lên 6.700 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, lúa OM 18 tăng 200 đồng/kg lên mức 7.300 đồng/kg, còn RVT vẫn giữ ở mức 8.400 đồng/kg so với tuần trước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa tươi tại An Giang như: Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600 - 5.800 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.400 - 5.600 đồng/kg, OM 18 từ 6.400 - 6.600 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 6.200 - 6.300 đồng/kg. Riêng lúa OM 5451 từ 6.300 - 6.400 đồng/kg.

Thời gian qua, Công ty TNHH Angimex-Kitoku triển khai trồng và bao tiêu lúa Nhật tại An Giang. Lãnh đạo công ty này cho biết, năm 2023 công ty sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa Nhật có kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật để xuất khẩu qua thị trường châu Âu.

Trong vụ Đông Xuân và Hè Thu 2022, nông dân trồng lúa DS1 rất phấn khởi, vui mừng khi vào thời điểm thu hoạch được Công ty TNHH Angimex-Kitoku hỗ trợ thêm 200 đồng/kg lúa thực nhập. Hiện tại, công ty đang quy hoạch được vùng nguyên liệu trồng lúa Nhật ổn định ở 2 phường Mỹ Hòa và Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang và 2 xã Mỹ Phước - Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Năm 2023, Công ty TNHH Angimex- Kitoku sẽ triển khai trồng lúa Nhật trên diện tích 2.450 ha tại An Giang và Kiên Giang.

Nhờ những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường EU. Đặc biệt, Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy gạo thương hiệu riêng của Việt Nam đã được người tiêu dùng EU đón nhận.

Tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức từ 425 - 430 USD/tấn so với tuần trước đó. Một thương lái tại TP Hồ Chí Minh cho biết, người nông dân đang có lãi với mức giá bán hiện tại và điều này sẽ khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn vào vụ Đông Xuân sắp tới, vụ lớn nhất trong năm.

Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy trong thời gian từ ngày 1 - 28/10, khoảng 387.050 tấn gạo đã được xuất cảng TP Hồ Chí Minh; trong đó phần lớn xuất đến Philippines, châu Phi, Cuba và Bangladesh.

Trong khi giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn ổn định thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã tăng trong tuần qua do đồng rupee tăng và lo ngại về nguồn cung, trong khi đó Bangladesh tiếp tục hứng chịu một trận lốc xoáy phá hủy mùa màng tại thời điểm nước này đang phải vật lộn để kiềm chế giá gạo trong nước tăng.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 375 - 384 USD/tấn, tăng so với mức từ 374 - 382 USD/tấn trong tuần trước.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền nam của Ấn Độ, cho biết sản lượng vụ mùa của Ấn Độ sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước đó vì mưa nhiều làm hư hại lúa ở các bang phía bắc và đông bắc.

Lượng mưa lớn đã làm hỏng cây lúa ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh hồi đầu tháng này.

Trong khi đó, nước láng giềng Bangladesh đang phải vật lộn với hậu quả của cơn bão Sitrang đổ bộ ngày 24/10. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Nông nghiệp, cơn bão đã phá hủy 6.000 ha lúa và có khả năng là một đòn giáng mạnh vào đất nước, vốn đang cố gắng hạ giá trong nước sau khi trận lũ lụt hồi đầu năm đã phá hủy 254.000 tấn lúa.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng không đổi ở mức 405 USD/tấn. Các nhà giao dịch cho biết nhu cầu không đổi và không có giao dịch lớn nào trên thị trường.

Giá cà phê giảm mạnh, dần tiến về mốc 40.000 đồng/kg

Vào cuối tuần, các tỉnh thành ghi nhận mức giảm 2.600 đồng/kg so với đầu tuần.

Cụ thể, giá cà phê trong nước hôm qua 30/10 giảm 600 đồng/kg so với ngày 29/10. Hiện giá cà phê trong nước giao động từ 40.400 đồng/kg đến 41.000 đồng/kg. Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai ngày 30/10 giảm xuống mức 40.900 đồng/kg tại huyện Chư Prông; tại thành phố Pleiku và huyện Ia Grai giá là 40.800 đồng/kg. Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Nông được thu mua ở mức 41.000 đồng/kg tại thành phố Gia Nghĩa và 40.900 đồng/kg ở huyện Đắk R'lấp. Tại tỉnh Kon Tum, giá cà phê hôm nay được thu mua ở mức 40.900 đồng/kg. Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê được thu mua với mức 40.400 đồng/kg. Cà phê tại tỉnh Đắk Lắk được thu mua với giá là 41.000 đồng/kg.

Những ngày giữa tháng 10/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa đã giảm mạnh theo giá thế giới. Ngày 18/10/2022, tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê Robusta giảm 1.800 đồng/ kg so với ngày 10/10/2022, xuống còn 45.000 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Nông giảm 1.900 đồng/kg, xuống còn 44.800 đồng/kg; tại tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai cùng giảm 2.000 đồng/kg, xuống còn 44.400 – 44.700 đồng/kg.

Trên sàn giao dịch cuối tuần qua, giá cà phê trên hai sàn phái sinh nhanh chóng giảm mạnh sau chỉ 1 phiên điều chỉnh nhẹ. Thị trường cà phê bị tác động do lo ngại lãi suất tiền tệ sẽ được các ngân hàng trung ương lớn nâng lên thêm sau báo cáo GDP quý III của Mỹ tăng. Dấu hiệu lạm phát giảm, sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ mạnh tay hơn tại kỳ họp sắp tới trong việc đưa ra mức lãi suất tối thiểu 1%, rất cao so với suy đoán trước đó.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lần thứ 3 trong năm nay, nâng lãi suất đồng Euro lên thêm 0,75% và không loại trừ sẽ còn tăng tiếp, trong khi lạm phát đã tăng lên ở mức 9,9% kể từ khi khu vực Eurozone ra đời và cuộc khủng hoảng năng lượng chưa thể giải quyết với bất ổn nội khối vẫn còn dai dẳng.

Trong khi thông tin Trung Quốc phong tỏa một phần Vũ Hán cũng dấy lên lo ngại nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sụt giảm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 29/10), sau chỉ một phiên điều chỉnh nhẹ, giá cà phê lại tiếp tục lao dốc trên cả hai sàn. Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 29 USD (1,54%), giao dịch tại 1.849 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 27 USD (1,45%), giao dịch tại 1.837 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng trung bính.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York giảm rất mạnh. Kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 9,05 Cent (5,06%), giao dịch tại 169,8 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 9,2 Cent/lb (5,2%), giao dịch tại 167,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Những ngày giữa tháng 10/2022, giá cà phê thế giới đã kéo dài xu hướng giảm. Xu hướng giảm giá dự báo sẽ còn diễn ra trong thời gian tới. Dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát cơ bản Mỹ đạt mức cao nhất 40 năm và các đợt tăng lãi suất cơ bản có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu vào tình trạng suy thoái và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Đồng Real suy yếu hỗ trợ người dân Brazil đẩy mạnh bán hàng vụ mới để thu về được nhiều nội tệ hơn. Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê Robusta dồi dào do Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới.

Trên sàn giao dịch London, ngày 18/10/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11/2022 và tháng 1/2023 giảm lần lượt 3,6% và 4,4% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 2.064 USD/tấn và 2.045 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3/2023 và tháng 5/2023 cùng giảm 4,5% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 2.022 USD/ tấn và 2.010 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 18/10/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 10,2%, 7,8%, 7,0% và 6,6% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 195,55 Uscent/lb; 191,35 Uscent/lb; 189 Uscent/lb và 187,3 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 18/10/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12 và tháng 3/2023 cùng giảm 8,4% so với ngày 8/10/2022, xuống còn 234,65 Uscent/ lb và 231,5 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 7,6% và 7,0%, xuống còn 231,3 Uscent/lb và 232,4 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.109 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 101 USD/tấn (tương đương mức giảm 4,6%) so với ngày 8/10/2022.

Giá tiêu giảm 1.000 đồng/kg tại các vùng trồng

Giá tiêu ngày 30/10 chững lại và đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm sau phiên điều chỉnh giảm. Cụ thể, tại Gia Lai giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 56.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay duy trì ở mức 57.000 đồng/kg.

Tương tự, tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu không có biến động. Tại Đồng Nai, Bình Phước giá tiêu ở mức 58.000 đồng/kg. Tại Vũng Tàu, giá tiêu mới nhất hôm nay dao động quanh mốc 59.000 đồng/kg.

Trong tuần qua, giá tiêu tiếp tục đà giảm khi điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg tại các vùng trồng trọng điểm. So với đầu tháng 10, giá tiêu trong nước đã giảm 6.500 – 7.500 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá tiêu tiếp tục đà tăng với tiêu Indonesia. Theo đó, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng 7 USD/tấn xuống còn 3.677 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok của Indonesia tăng 12 USD/tấn lên mức 5.952 USD/tấn.

Trong khi đó, giá tiêu duy trì ổn định tại các quốc gia còn lại. Cụ thể, tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 2.600 USD/tấn, không đổi. Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 5.100 USD/tấn, không đổi. Tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi.

Trong tuần qua, giá tiêu tiếp tục đà giảm khi điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg tại các vùng trồng trọng điểm. So với đầu tháng 10, giá tiêu trong nước đã giảm 6.500 – 7.500 đồng/kg.

Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đánh giá, thị trường tuần này tiếp tục cho thấy triển vọng khá tiêu cực, không có quốc gia nào được báo cáo với mức tăng kể từ đầu tháng 10 khi Ấn Độ, Malaysia và Sri Lanka tổ chức lễ Diwali trong tuần này. Giá tiêu Ấn Độ tiếp tục được báo cáo ổn định kể từ tuần trước.

Vụ thu hoạch tiêu năm nay tại Campuchia diễn ra sớm hơn năm ngoái do đủ mưa nên vụ mùa tương đối tốt, trước mắt chỉ lo giá thị trường quá thấp.

Thu nhập từ việc bán tiêu của người nông dân dường như không tương xứng với chi phí lao động và sản xuất, trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng cao.

Trong 8 tháng đầu năm, Campuchia đã xuất khẩu tổng cộng 7.335 tấn hồ tiêu, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 6.467 tấn.

Ngoài ra, Campuchia cũng xuất khẩu tiêu sang Liên minh Châu Âu, Mỹ và các nước ASEAN, châu Á khác.

Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. 2 năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam. Trong đó, đáng quan tâm nhất là hồ tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.