Tổng kết quý 1/2023: Cán cân thương mại thặng dư hơn 4 tỷ USD

Tổng kết 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước chỉ đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn thặng dư 4,07 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1 năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu đạt 79,17 tỷ USD giảm 11,9%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, quý 1 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt tới 177,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 89,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 88 tỷ USD.

xnk-1017-1680227227.jpeg

Tuy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với quý 1/2022 nhưng cán cân thương mại vẫn thặng dư hơn 4 tỷ USD.

Lý giải về nguyên nhân các chỉ số xuất nhập khẩu đều giảm mạnh, Tổng cục Thống kê cho rằng, nền kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nặng nề.

Nếu chỉ tính riêng tháng 3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước, cũng đã cải thiện khá mạnh, nhưng vẫn còn giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 1/2023, có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%.

Về mặt hàng nhập khẩu trong quý 1 năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, có 17 mặt hàng đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%.

Xét về cơ cấu hàng nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 70,22 tỷ USD, chiếm 93,5%. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,8%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 4,88 tỷ USD, chiếm 6,5%.

Xét về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.

Tính chung quý 1 năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,84 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, xuất siêu lớn trong bối cảnh hiện nay chưa hẳn là tín hiệu vui. Bởi lẽ, xuất siêu tăng là so nhập khẩu giảm mạnh. Có thể nguyên nhân xuất phát từ sản xuất trong nước gặp khó, nên đơn hàng nhập khẩu tư liệu sản xuất bị ảnh hưởng.

Năm 2023, xuất khẩu tiếp tục được xác định là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng 6%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022. Mặc dù, mục tiêu này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2022 (10,5%), song đây cũng là thách thức lớn, bởi Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu.