Vĩnh Phúc: Ứng dụng chuyển đổi số và phổ cập chương trình giáo dục phổ thông mới để nâng cao chất lượng dạy và học

Để tạo sự đột phá trong công cuộc thay đổi căn bản toàn diện bộ mặt của ngành giáo dục và đào tạo, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ, tăng cường công tác chuyển đổi số đồng thời đẩy mạnh và không ngừng nâng cao chất lượng, linh hoạt tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đây được xem là bước ngoặt quan trọng trên hành trình đổi mới của ngành Giáo dục.

Chuyển đổi số để thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống trong thời đại công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu, là lời giải cho sự phát triển mà giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai thực hiện trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hướng đến một nền Giáo dục mở. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn trong phiên họp của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực về lấy ý kiến dự thảo Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2021-2025 đã nhấn mạnh việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nếu thực hiện tốt đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục.

Ngành GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cùng với các địa phương trong cả nước đã chủ động tham gia và nắm bắt thành quả của công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo hướng đến chuyển đổi số toàn diện nền giáo dục dựa vào mọi mặt từ cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đường lối, chủ trương chính sách đến đội ngũ lãnh đạo, cán bộ viên chức, giảng viên, giáo viên, người học,... với mục tiêu không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập quốc tế. Trong hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đặc biệt hơn khi Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên xuất hiện dịch COVID-19 vào năm 2020, mọi hoạt động bị đình trệ ảnh hưởng không nhỏ tới mọi lĩnh vực của đời sống và ngành giáo dục cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm mà công nghệ thông tin được khai thác một cách triệt để, toàn diện nhằm thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”. Ngành GD&ĐT tỉnh đã chủ động áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản lý, giảng dạy và chỉ trong thời gian ngắn, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi sang dạy học online - một hình thức chưa từng có trong tiền lệ tuy còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng đã có những thành tựu khả quan mang lại.

Hiện nay, tất cả cơ sở giáo dục tại tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện khai thác, sử dụng các kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số và đều xây dựng được website đăng tải hoạt động của trường, các thông tin quản lý và điều hành được chuyển dần sang hình thức văn bản điện tử. Cuối tháng 9/2022, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch về triển khai chuyển đổi số ngành GD&ĐT năm học 2022-2023; ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học. Theo đó, các đơn vị, nhà trường trên toàn tỉnh xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số năm học 2022-2023 ở cơ quan, đơn vị, nhà trường; lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ dựa trên các chỉ tiêu đã đề ra trong Đề án chuyển đổi số của UBND tỉnh; thành lập Tổ chuyển đổi số để triển khai thực hiện tại đơn vị mình,...

a11-1668582549.jpeg

Cô và trò Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc hào hứng, say mê với chương trình thí điểm dạy và học Tin học quốc tế

Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022-2023 của Vĩnh Phúc đó là truyền thông và tập trung xây dựng, hoàn thiện các nền tảng, khơi gợi sự sáng tạo đột phá để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mạnh mẽ trong mọi hoạt động của ngành. Cụ thể: Trong năm học 2022-2023, toàn ngành đặt mục tiêu: Hoàn thành đầu tư, chuyển giao các nền tảng chuyển đổi số (CĐS) dùng chung của toàn ngành để triển khai áp dụng có hiệu quả, từng bước thay đổi phương thức quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng môi trường giáo dục linh hoạt, thích ứng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chung của toàn ngành Giáo dục.

Đổi mới nội dung, hình thức, qui mô công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên; bồi dưỡng kỹ năng số dành cho học sinh (đặc biệt học sinh lớp 9, lớp 12) góp phần phổ cập kỹ năng số trong toàn ngành. Các chỉ tiêu hoàn thành đưa ra đều ở mức cao, phổ biến là trên 95%; có chỉ tiêu đề ra ở mức 100% như: Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm một cửa điện tử. Chỉ tiêu thấp nhất là từ 50% trở lên đối với tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến mức độ 4, tạm thời chưa tính thủ tục tuyển sinh THPT.

Chuyển biến mạnh mẽ của ngành giáo dục trong thực hiện chương trình Giáo dục Phổ thông 2018

Năm học 2022-2023 được xác định là năm học trọng tâm triển khai đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông áp dụng chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Cụ thể, ngoại ngữ, tin học trở thành môn học bắt buộc ở lớp 3; đối với khối lớp 10, thay vì 13 môn học cố định như trước, chương trình giáo dục phổ thông mới có 7 môn học bắt buộc: Ngữ văn, toán học, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương và cho phép học sinh quyết định 5 môn học tự chọn từ 3 nhóm môn: Khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật (mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn). Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch 64/KH-SGDĐT ngày 9/5/2022 về việc bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023. Văn bản số 976/SGDĐT-GDPT ngày 04/6/2022 về việc tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023..

Ở các huyện, thành phố, Phòng GD&ĐT trong toàn tỉnh tích cực chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai Chương trình GDPT mới. Ông Phạm Ngọc Thiệu, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Phúc Yên cho biết: “Để sẵn sàng cho việc triển khai Chương trình GDPT mới, phòng đã tham mưu UBND Thành phố và Sở GD&ĐT đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, đặc biệt ưu tiên cho khối lớp 1; đồng thời, chọn cử giáo viên tham gia tập huấn về triển khai chương trình GDPT mới và tổ chức cho các trường đăng ký sách giáo khoa và tài liệu phục vụ cho dạy học theo chương trình mới”.

Trao đổi với Ban giám hiệu Trường THCS Hai Bà Trưng được biết: Năm học 2022-2023, Trường có 865 học sinh, trong đó, có 231 học sinh đầu cấp. Sau 1 năm đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào giảng dạy, áp dụng đối với học sinh lớp 6, theo đánh giá của nhà trường, học sinh đã phát huy tính tích cực, năng động trong học tập; tuy nhiên, chương trình vẫn còn nặng về kiến thức. Ở các môn tích hợp, cần từ 2-3 giáo viên cùng giảng dạy một môn; các giáo viên phải có sự thống nhất về phương pháp giảng dạy cũng như việc xây dựng chương trình phù hợp với sách giáo khoa. Vì vậy, để triển khai thực hiện rất cần thành phố và ngành giáo dục quan tâm bổ sung nhân sự, hỗ trợ hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học chương trình mới.

a12-1668582586.png
Ảnh: minh họa

Chương trình GDPT mới giúp học sinh dễ ghi nhớ và hiểu sâu các nội dung kiến thức.

Có thể nói, chương trình GDPT mới cũng đặt ra những thách thức cho ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc khi cần phải đổi mới phương thức quản lý, đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra đánh giá để đảm bảo phát triển phẩm chất, năng lực người học. Bởi, chương trình GDPT mới không định hướng triển khai theo dạng truyền thụ kiến thức truyền thống cho học sinh mà tập trung khai thác và thúc đẩy hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh. Vì thế, vai trò của nhà trường rất quan trọng khi cần thay đổi nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá, không bám sát ngữ liệu sách giáo khoa, sách giáo khoa chỉ là tài liệu, công cụ trợ giúp mà phải tập trung đánh giá năng lực học sinh theo mục tiêu chương trình đề ra và hoàn toàn chủ động trong việc phân phối chương trình giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh, giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn. Song song với đó là việc khuyến khích, kích thích khả năng tư duy sáng tạo và năng lực ứng dụng kiến thức trong trường học để vận hành và giải quyết các tình huống thực tiễn.

Theo đánh giá chung của Sở, thực hiện kế hoạch và lộ trình cho năm học mới tuy có những thuận lợi nhất đinh, nhưng thực tế khi triển khai các trường đều phải rất nỗ lực và không tránh khỏi những khó khăn. Ở bậc tiểu học và THCS, thuận lợi đó là có sự tiếp nối trong chương trình GDPT 2018 vì đã có sự thay đổi trong chương trình từ lớp 1,2 và 6 nên không còn bỡ ngỡ với phương pháp dạy học mới, việc tổ chức hoạt động trong giờ học cũng diễn ra quy củ hơn tuy nhiên tình trạng thiếu giáo viên cấp tiểu học, THCS vẫn còn tồn tại (do từ 10 năm trở lại đây không thực hiện tuyển mới giáo viên). Đối với khối lớp 10, thứ nhất là tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên cấp THPT, thiếu nhiều đội ngũ giảng dạy tích hợp liên môn, giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), giáo dục an toàn giao thông, giáo dục môi trường, biến đổi khí hậu, giáo dục quốc phòng an ninh, Tin học, Ngoại Ngữ,... thứ hai là vướng mắc trong việc triển khai tư vấn lựa chọn các nhóm môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên ​do đã quen với chương trình cũ nên không tránh khỏi những lúng túng đặc biệt với những học sinh chưa có định hướng ngành học, nghề nghiệp rõ ràng.

Chia sẻ về chương trình GDPT mới, ông Phan Hồng Quân - Phó Hiệu trưởng THPT Xuân Hòa cho biết: trước yêu cầu của chương trình mới, không chỉ nhà trường mà bản thân mỗi GV cũng đã có sự chủ động trong việc lập kế hoạch làm việc, đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của HS. Mục tiêu của nhà trường là đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của HS. Chính vì vậy, trước khi bước vào giảng dạy chương trình mới, để thực hiện tốt chương trình, nhà trường cũng đã chủ động xây dựng tổ hợp lựa chọn môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập để HS lựa chọn theo học suốt 3 năm, bảo đảm vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa phù hợp với điều kiện về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường; đồng thời thành lập ban tư vấn, hướng dẫn HS lựa chọn nhóm môn học phù hợp năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp.

Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội, song Chương trình GDPT mới đối với lớp 10 cũng đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho nhà trường trong việc tư vấn, giúp học sinh lớp 10 lựa chọn môn học, định hướng nghề nghiệp. Ngay từ đầu cũng là một khó khăn cho không chỉ học sinh mà nhà trường còn phải gặp trực tiếp phụ huynh để tư vấn, giải thích, hướng dẫn. Càng áp lực hơn khi năm học này, trường tiếp nhận thêm 44 học sinh lớp 10 và hơn 100 học sinh lớp 12 của trường Dân tộc nội trú chuyển vào, khiến số lớp tăng từ 26 lớp lên 31, thiếu nhiều thiết bị, cơ sở vật chất,…

Giải đáp về những vướng mắc này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Huyến chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với khối THPT, trong bối cảnh chung, việc cần quan tâm là làm sao để đội ngũ yên tâm triển khai, thực hiện Chương trình mới. Khi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn, Sở sẽ triển khai ngay về các nhà trường. Những vấn đề nào chưa rõ ràng, các trường cần phải bàn tính, đề xuất điều chỉnh kịp thời với Sở; thực hiện báo cáo, trao đổi ngay những vấn đề không thuộc thẩm quyền.

Việc đảm bảo việc dạy và học theo chương trình GDPT mới của Bộ GD&ĐT đạt được kết quả rõ rệt là sự chung tay vào cuộc của không chỉ cán bộ giáo viên, học sinh mà còn cần sự tham gia góp sức của phụ huynh, đặc biệt phải kể đến vai trò của Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Huyến, chương trình mới phụ thuộc rất lớn vào sự điều hành chủ động, sáng tạo của người Hiệu trưởng, đây là người có cái nhìn tổng thể, toàn diện, biện chứng trong mọi vấn đề nội tại của đơn vị, địa phương, nhân dân, nhưng Hiệu trưởng không thể thành công nếu không có sự đoàn kết tập thể cùng bàn, cùng suy nghĩ, cùng thống nhất tìm ra giải pháp tối ưu đối với những vấn đề chuyên môn sâu, đánh giá cuối cùng là sản phẩm đầu ra. Làm sao cho Giáo dục Vĩnh Phúc nâng tầm lên, muốn vậy mỗi Hiệu trưởng phải tự nâng tầm, nâng trách nhiệm lên, mà không ai có thể làm thay được./.