Đa dạng sản phẩm để giữ chân du khách

Để tạo sức hấp dẫn và thu hút du khách, vài năm trở lại đây, cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng ngày càng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống, du lịch thế mạnh; đồng thời, đa dạng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch nông nghiệp...
177d5141627t88570l0-1690531974.jpeg

Các sản phẩm OCOP là một lợi thế để khai thác phát triển du lịch làng nghề xứ Thanh.

Làm mới sản phẩm du lịch biển

Trong các sản phẩm du lịch đã đưa vào khai thác, du lịch biển Thanh Hóa đã tạo dựng được thương hiệu nổi bật tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, trở thành sản phẩm du lịch có quy mô, sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách. Đơn cử như Sầm Sơn được xem là “nam châm” thu hút khách du lịch về với Thanh Hóa, khi thành phố luôn chiếm từ 65% - 70% tổng số lượt khách du lịch toàn tỉnh. Đặc biệt loại hình du lịch golf trong khu nghỉ dưỡng biển cao cấp 5 sao FLC đã thu hút được lượng khách du lịch có mức chi trả cao.

Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cũng được đầu tư hệ thống đường kết nối, cơ sở vật chất kỹ thuật khang trang, dịch vụ phong phú và trở thành “hạt nhân” có khả năng lan tỏa và thu hút đông đảo khách du lịch về với Thanh Hóa. Đáng nói hơn, không chỉ khai thác nguồn tài nguyên sẵn có là dải bờ biển đẹp, các điểm đến đã và đang làm mới mình bằng cách đưa vào khai thác thêm một số sản phẩm mới.

Điển hình phải kể đến Sầm Sơn với chuỗi các sự kiện hấp dẫn như diễu hành đường phố, lễ hội tình yêu, lễ hội Carnival đường phố, diễu hành mô tô phân khối lớn, chương trình nghệ thuật thứ 7 hàng tuần SunFest Thanh Hóa, giải golf, nhạc nước tại Quảng trường biển Sầm Sơn... đã tạo hiệu ứng, thu hút đông đảo du khách. Hay tại thị xã Nghi Sơn với tour du lịch đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức 4, trượt cỏ, bắn súng sơn...; tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến đưa vào khai thác tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn... đã tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch.

Để tạo cơ sở thúc đẩy sản phẩm chủ lực này phát triển, vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, nghệ thuật lớn, độc đáo, ấn tượng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, góp phần kích cầu du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ du lịch, giữ vững hình ảnh du lịch Thanh Hóa hấp dẫn, thân thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các điều kiện đón, phục vụ khách du lịch tại các khu du lịch biển đã được siết chặt trật tự, kỷ cương, tăng cường công tác quản lý các dịch vụ. Các địa phương đã chủ động, tích cực rà soát, bổ sung, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều phương án quản lý dịch vụ du lịch tại các khu du lịch biển.

Song, yếu tố mùa vụ vẫn là “nỗi ám ảnh”, thậm chí là “nút chết” của sản phẩm chủ lực nghỉ dưỡng biển và vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Thời điểm này, tức là vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, du lịch biển bước vào giai đoạn “thoái trào”. Thực trạng này buộc ngành du lịch, các địa phương, doanh nghiệp phải tìm cách làm mới các sản phẩm du lịch để thu hút và níu chân du khách trong những tháng cuối năm.

Khai thác các sản phẩm thế mạnh

Ngược lại với sản phẩm du lịch biển, thời điểm cuối năm và đầu năm lại là giai đoạn “ăn nên làm ra” của du lịch văn hóa tâm linh. Bởi đây là lúc các tour du xuân trẩy hội, dâng hương vãn cảnh tại các di tích, danh thắng hút khách thập phương. Trong khi Thanh Hóa là cái nôi của các di sản, mà nổi tiếng hơn cả phải kể đến Di tích lịch sử Lam Kinh, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đền Bà Triệu, Di tích lịch sử Am Tiên... Gắn với đó là nhiều lễ hội truyền thống, cũng là các di sản phi vật thể đặc sắc như lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội đền Sòng Sơn, lễ hội Mai An Tiêm, lễ hội Mường Xia (Quan Sơn), lễ hội Pồn Pôông (Ngọc Lặc)... cùng với các loại hình văn hóa phi vật thể, sản phẩm văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống, trò chơi, trò diễn, các loại hình nghệ thuật truyền thống khác.

Kho tàng di sản văn hóa giàu giá trị là cơ sở để Thanh Hóa đầu tư khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa - lịch sử - tâm linh. Hằng năm, tỉnh đã phê duyệt danh mục và triển khai dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, tập trung ưu tiên các di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hóa có giá trị khai thác phục vụ du lịch. Nhiều dự án đầu tư, tu bổ di tích được triển khai thực hiện góp phần nâng cao giá trị di tích và tạo ra nhiều điểm đến hấp dẫn. Song song với đó, một số đề án nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa đã được tỉnh phê duyệt, hoặc đang nghiên cứu xây dựng, như: Đề án phát triển Khu du lịch di tích quốc gia đền Bà Triệu; Đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn... hứa hẹn sẽ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa.

Nói đến sản phẩm có sức hút du khách bốn mùa và đặc biệt là hấp dẫn khách quốc tế, có lẽ phải nói đến sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng. Với những hoạt động nghỉ dưỡng, trải nghiệm thú vị gắn liền với cảnh quan thiên nhiên; các hoạt động tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên... ngày càng được du khách đón nhận và đánh giá cao. Không chỉ thu hút du khách bốn mùa, du lịch sinh thái, cộng đồng còn có cơ sở để khai thác và phát triển để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Thanh, nhờ vào hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên phong phú (Bến En, Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông). Đặc biệt, hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, với các dự án kinh doanh du lịch đầy hứa hẹn. Đồng thời, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nơi đây cũng được đầu tư tương đối đồng bộ. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Bến En cũng là điểm đến đầy hứa hẹn, với tiềm năng du lịch lớn và một dự án quy mô đang chờ khai phá.

Ngoài các sản phẩm chủ lực và có thế mạnh kể trên, trước đòi hỏi của thị trường, nhiều năm trở lại đây, một số địa phương, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới. Điển hình trong đó phải kể đến du lịch làng nghề truyền thống dựa trên 116 làng nghề; 322 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 16 điểm cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận. Cùng với đó là sản phẩm du lịch nông nghiệp, trong đó có nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch đã đưa vào khai thác mang lại hiệu quả bước đầu (Nông trại Queen Farm, Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, Nông trại T-Farm, Nông trại Golden Cow, Nông trại Ánh Dương...). Ngoài ra, các tuyến du lịch Làng cổ Đông Sơn; trải nghiệm đồng quê, Làng văn hóa dân tộc xứ Thanh, Xứ Thanh Eco-villa, khu vui chơi Linh Kỳ Mộc và các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại Công viên Hội An (TP Thanh Hóa); Làng du lịch Yên Trung (Yên Định), tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ (Hoằng Hóa)... đều là những sản phẩm hứa hẹn sẽ đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Với sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, du lịch Thanh Hóa tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Kết quả, tổng lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,354 triệu lượt (trong đó khách quốc tế ước đạt 214,6 nghìn lượt); tổng thu du lịch ước đạt 15.072 tỷ đồng.