Mùa thu và hành trình qua những di sản văn hóa xứ Thanh

Vào khoảng thời gian tiết trời chuyển dần sang thu, “Về miền di sản xứ Thanh” sẽ là hành trình thú vị mà du khách không nên bỏ lỡ. Đặc biệt, để tăng thêm sức hấp dẫn cho điểm đến, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn sẽ được tổ chức vào khoảng thời gian này tại nhiều địa phương trong tỉnh.
177d5092622t87166l0-1691802121.jpeg

Trò diễn Xuân Phả trình diễn tại Lễ hội Lam Kinh thu hút sự quan tâm của du khách.

Với hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Thanh Hóa được ví như cái nôi di sản của cả nước. Văn hóa xứ Thanh là sự hòa quyện giữa nét trang nghiêm, mực thước đậm chất cung đình với nét hồn hậu, bình dị, dân gian, nhưng không kém phần thanh nhã. Hai sắc thái tưởng chừng đối lập ấy đang dệt thành bức tranh văn hóa xứ Thanh đa sắc, đa thanh và giàu giá trị.

Nói đến dấu ấn cung đình trong văn hóa xứ Thanh là nói đến những công trình kiến trúc nghệ thuật kỳ vĩ và bề thế, trong đó có những công trình phản ánh trình độ phát triển của quốc gia, của dân tộc và mang đậm dấu ấn các vương triều phong kiến. Các di sản ấy đều là kết tinh của bàn tay tài hoa, sự sáng tạo, dụng tâm và khát vọng của con người.

Hành trình khám phá di sản văn hóa xứ Thanh sẽ đưa du khách đến với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc). Đây là một minh chứng hùng hồn cho tinh hoa trí tuệ Đại Việt cuối thế kỷ XIV. Thành trì này được sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ ước tính lên tới trên 25.000m3 đá và trên 100.000m3 đất. Song, điều gây ấn tượng đặc biệt lại nằm ở kỹ thuật xây dựng, với việc gắn kết các khối đá nặng hàng chục tấn. Đây là điều thu hút các chuyên gia, nhà nghiên cứu đang dày công tìm hiểu, khám phá và gây kinh ngạc cho du khách khi về thăm di sản. Những ngày này, về với Di sản Thành Nhà Hồ du khách sẽ được hòa mình trong khung cảnh bình yên với những ruộng lúa xanh mướt, những đầm sen ngát hương thơm khu vực nội thành.

Nếu Thành Nhà Hồ là kinh đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự của nước ta dưới triều Hồ, thì Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) là kinh đô thờ tự của vương triều Hậu Lê, biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử hào hùng chống quân xâm lược và xây dựng quốc gia Đại Việt. Trong hành trình “Về miền di sản xứ Thanh”, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã và đang giữ vị trí trung tâm trong hành trình kết nối với các di sản văn hóa khác trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, ngoài tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ khách tham quan, quảng bá, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến kết nối du lịch giữa Khu Di tích lịch sử Lam Kinh với các di tích, danh thắng nổi tiếng khác trên địa bàn một cách hợp lý, theo các lộ trình và tour, tuyến du lịch mới hoạch định.

Nếu như di sản vật thể là chứng nhân lịch sử về quá trình tranh đấu để dựng xây và phát triển của vùng đất, thì di sản phi vật thể lại ví như sợi dây gắn kết con người với quá khứ. Giữa đất trời thơ mộng, khi được đắm chìm vào lễ hội, lời ca, tiếng hát... mang đậm hơi hướng cổ xưa, du khách sẽ tưởng chừng như được sống giữa không gian văn hóa của tiền nhân.

Và mùa thu cũng là thời điểm diễn ra Lễ hội Lam Kinh (ngày 21, 22-8 âm lịch). Cùng với phần lễ uy nghiêm, linh thiêng, du khách sẽ được hòa mình vào trò diễn “độc nhất vô nhị” của xứ Thanh là trò Xuân Phả trong phần hội. Trò diễn đã tăng thêm tính đặc sắc cho Lễ hội Lam Kinh với các điệu múa, hát, hay những chiếc mặt nạ đặc biệt cùng với những biểu tượng linh vật tượng trưng cho phẩm cấp quan lại phong kiến. Sự kết hợp của các trò diễn cho thấy sức sống mãnh liệt, dẻo dai của các trò diễn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân; đồng thời khẳng định Thanh Hóa là một vùng đất giàu truyền thống, một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, sống động, giàu màu sắc, biểu cảm và cũng đầy tính nghệ thuật...

Hành trình khám phá qua những di sản văn hóa xứ Thanh vào mùa thu năm nay hẳn sẽ còn thú vị, hấp dẫn hơn bởi nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 8 và tháng 9, như: khôi phục lễ hội Mường Khoòng (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước); liên hoan văn hóa - nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa (TP Sầm Sơn); liên hoan ẩm thực (TP Sầm Sơn); Giải xe đạp quốc tế VTV Cúp (TP Thanh Hóa); sự kiện gala mừng Ngày Quốc khánh 2-9 (Khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn); festival sinh vật cảnh và làng nghề TP Thanh Hóa mở rộng...

Là một trong những “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết văn hóa giữa ba miền Bắc - Trung - Nam, hành trình khám phá di sản văn hóa xứ Thanh còn đưa du khách đến nhiều miền đất khác trên địa bàn Thanh Hóa, đồng thời được tiếp nối trong các hành trình liên kết như: “Qua miền di sản”, “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”... Qua đó mang đến cho du khách thêm nhiều trải nghiệm hấp dẫn, đặc sắc khi khám phá hành trình “Về miền di sản xứ Thanh” mỗi độ thu về.