Bắc Ninh: Hoàn thành tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xác định lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với cấp tiểu học như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2; năm học 2022-2023 đối với lớp 3; năm học 2023- 2024 đối với lớp 4 và năm học 2024-2025 đối với lớp 5.

Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, UBND tỉnh, hằng năm, Sở GDĐT đã chỉ đạo, triển khai các nội dung tập huấn, triển khai các nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT cho cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên cốt cán; Chỉ đạo các phòng GD&ĐT xây dựng các trường điểm toàn diện, mặt nổi trội về đổi mới phương pháp dạy học, về triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, là nơi để giáo lưu, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng điển hình; Các trường tiểu học xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thức tế của nhà trường và địa phương. Kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, thời khóa biểu cần được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục; tổ chức các hoạt động giáo dục sau giờ chính thức trong ngày phong phú, hấp dẫn, giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực…

Thời điểm này, ngành GDĐT tỉnh Bắc Ninh đã sẵn sàng tâm thế, nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3 của các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh diễn ra khá thuận lợi. Tất cả giáo viên dạy các lớp này đều đã được bồi dưỡng đầy đủ về chương trình, sách giáo khoa mới. Sở GDĐT cụ thể hoá các hướng dẫn chuyên môn được Bộ GDĐT ban hành phù hợp với điều kiện của địa phương và chỉ đạo Phòng GDĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Với cách làm này, các nhà trường đã được chủ động, linh hoạt và thuận lợi trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với các giai đoạn phòng chống dịch.

Theo ông Phí Hữu Quynh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT), năm học 2021-2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GDĐT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, duy trì sĩ số 100%. Toàn tỉnh có 151 trường Tiểu học, 4 trường liên cấp có học sinh Tiểu học với 3.700 lớp và hơn 136 nghìn học sinh. Trong năm học, các nhà trường cùng lúc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo kế hoạch năm học, tận dụng tốt thời gian vàng cho học sinh được đến trường học trực tiếp, nhất là lớp 1 và lớp 2.

Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả rất khả quan với khối lớp 1 và 2; các trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Coi trọng việc bảo đảm an toàn trường học, tổ chức các hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp điều kiện từng địa phương và từng cơ sở giáo dục để hoàn thành kế hoạch năm học nhưng vẫn kiên trì mục tiêu đảm bảo chất lượng. Các nhà trường cũng chú trọng dạy học Tiếng Anh và Tin học, góp phần duy trì, ổn định vững chắc chất lượng giáo dục toàn diện; làm tốt công tác truyền thông giúp cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và phụ huynh học sinh cùng chung tay hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu năm học…

f9-1667808366.png

Tiết học môn Tin học của học sinh Trường Tiểu học Đình Bảng 2 theo Chương trình GDPT 2018

Chia sẻ về cách triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 2. Theo Bà Phan Thị Biển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tương Giang: đến thời điểm hiện tại Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thu được những kết quả nhất định về phía học sinh qua kết quả kiểm tra cuối năm lớp 1, lớp 2 về chất lượng giáo dục và đánh giá năng lực phẩm chất cơ bản đã đạt chỉ tiêu đề ra. Về phía giáo viên đã vận dụng phương pháp giảng dạy khá tốt, nội dung chương trình sách giáo khoa khá phù hợp với trình độ và năng lực của học sinh.Bên cạnh những thuận lợi thì việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định cũng cần các cấp lãnh đạo cấp trên quan tâm, giúp đỡ đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Du, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đình Bảng 2, thành phố Từ Sơn được biết: thời gian qua, nhà trường đã tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận với chương trình mới. Trường cũng chủ động trong công tác tuyên truyền nên đa số phụ huynh đã nắm được chủ trương này. “Qua tiếp cận, tôi nhận thấy chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm tích cực so với chương trình trước đây. Ở chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phát huy tính năng động, sáng tạo của học sinh, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục. Học sinh là nhân vật trung tâm của quá trình giáo dục, còn giáo viên chỉ đáp ứng vai trò là người gợi mở. Các môn học trong chương trình mới sẽ không còn rời rạc như trước đây nữa, mà có sự thống nhất, tích hợp liên môn với nhau”.

Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh” mà chỉ là phương tiện, cung cấp các chất liệu dạy học cho giáo viên, còn sử dụng chất liệu nào, tổ chức hoạt động gì, dạy chủ đề nào trước, chủ đề nào sau hoàn toàn do sự chủ động của giáo viên, miễn là bảo đảm đúng yêu cầu đặt ra của chương trình môn học. Khi sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh” nhất nhất phải làm theo, mà chỉ là một học liệu quan trọng cho giáo viên tham khảo dạy học, chính các thầy, cô giáo phải thay đổi, năng động, sáng tạo, dám thử nghiệm nhiều hơn để làm mới chính mình và bài giảng của mình trong mỗi giờ lên lớp

Để giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học trong năm học 2022-2023, ngành GDĐT Bắc Ninh tập trung chỉ đạo 2 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày. Ở cấp tiểu học, năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thôngv 2018 được triển khai ở 3 khối lớp 1, 2 và 3. Trước khi bước vào năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục tiểu học đã bố trí đủ mỗi lớp có một phòng học riêng, tham mưu nguồn kinh phí để các trường hợp đồng giáo viên còn thiếu, đủ 1,5 giáo viên/lớp và đảm bảo về cơ cấu giáo viên để tổ chức cho 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, 100% học sinh lớp 3 được học Tin học và Tiếng Anh; cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên được tập huấn đầy đủ công tác quản lý, quản trị trường học, về đổi mới phương pháp dạy học, về sử dụng sách giáo khoa thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chỉ đạo các trường xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; giao quyền tự chủ cho các nhà trường, giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục củng cố để học sinh tự hoàn thành nội dung học tập, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh; các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử truyền thống địa phương. Đối với khối lớp 4 và 5, Sở GDĐT yêu cầu trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông 2006, phòng GDĐT các huyện, thành phố giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 4 và lớp 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngành GDĐT Bắc Ninh cũng xác định chủ đề năm học 2022-2023 là: “Đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn; đổi mới, sáng tạo; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”; tiếp tục các giải pháp bảo đảm an toàn trường học, kiên trì các mục tiêu chất lượng giáo dục; thực hiện quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp, duy trì và củng cố kết quả phổ cập giáo dục; đảm bảo hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn Quốc gia; đa dạng hóa các mô hình tổ chức dạy học; củng cố và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thực hiện hiệu quả công tác quản lý, quản trị trường học; đẩy mạnh công tác truyền thông giúp lan tỏa những điển hình tiên tiến góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua hoàn thành tốt các chỉ tiêu năm học, xứng đáng là điển hình tiêu biểu cả về phong trào và chất lượng giáo dục…

Phát huy kinh nghiệm và những kết quả đạt được của việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2 những năm học trước, với sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh các nhà trường, toàn ngành GDĐT Bắc Ninh thể hiện quyết tâm thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học này.