Bến Tre: Nông dân trồng bưởi da xanh thất thu vì giá thấp kéo dài

Giá bưởi da xanh đứng ở mức thấp trong thời gian dài trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh khiến nhà vườn càng duy trì cây bưởi càng bị lỗ.

Ghi nhận của báo Tuổi Trẻ Online, dọc những tuyến đường tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nhiều vườn bưởi da xanh bị bỏ phế, hoang tàn vì lâu ngày không được chăm sóc. Do giá bưởi đứng ở mức thấp trong một thời gian dài, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, người trồng càng duy trì cây bưởi càng bị lỗ.

Bà Trần Thị Thu Hoa (xã Giao Long, huyện Châu Thành) cho biết vườn bưởi hơn 10.000m2 từng là nguồn thu nhập chính cho gia đình nhưng từ 2 năm nay giá bưởi chỉ dao động 15.000 - 20.000 đồng/kg, không đủ tiền phân thuốc. Ngay cả khi bưởi đã được xuất khẩu sang Mỹ nhưng giá loại trái cây này vẫn không được cải thiện.

Trong khi đó, tiền phân thuốc ngày càng tăng khiến nhà vườn không còn vốn để tái đầu tư. "Cứ tưởng sau khi bưởi da xanh được xuất đi Mỹ sẽ có giá tốt hơn nhưng ngày càng tệ, giá bán đã thấp mà thương lái còn kén chọn. Do đó, gia đình tôi đã trồng xen dừa xiêm xanh và cây điều vào vườn bưởi, khi nào cây lớn sẽ đốn bỏ bưởi", bà Hoa cho biết.

Cùng chung tâm trạng, anh Hồ Trung Cẩm (Đồng Nai) cho biết năm nay có thể sẽ chặt bỏ toàn bộ 250 gốc bưởi da xanh để chuyển đổi cây trồng khác. “Bưởi mấy năm nay đều giá rẻ, năm nay có nhà vườn chỉ bán được 8.000 – 9.000 đồng/kg, bưởi đẹp được giá tầm 15.000 – 16.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng bưởi không có lãi, chỉ thấy lỗ thêm”, anh chia sẻ.

Khoảng 6-7 năm về trước, bưởi da xanh là mặt hàng “hot”, số lượng có đến đâu cũng bán hết đến đó. Anh cho biết thời điểm đó anh bán giá bưởi lên đến 40.000 – 50.000 đồng/kg. Mức giá đó giúp người trồng thu được lợi nhuận cao từ cây trồng này.

Hơn 2 năm nay, giá bưởi da xanh xuống thấp, có thời điểm dịch bùng phát ở nước ta khiến bưởi không tiêu thụ được. Còn năm nay, giá bưởi da xanh xuống thấp như vậy, người trồng không có công, thậm chí là lỗ lớn.

buoi-da-xanh-1678754677.jpeg

Do giá bưởi da xanh ở mức thấp một thời gian dài, nhiều nhà vườn Bến Tre đang dự định chặt bưởi để trồng cây khác.

Vì giống bưởi này mất rất nhiều công và thời gian, tiền bạc chăm sóc. Cứ trung bình 1 tuần, người trồng phải xịt thuốc bảo vệ thực vật một lần vì bưởi da xanh rất nhiều sâu bệnh. Đến mùa chuẩn bị ra hoa, nhiều nhà vườn còn thuê nhân công tỉa lá để chúng ra nụ, hoa nhiều hơn. Công tỉa lá khoảng 500.000 đồng/người/ngày. Theo anh Cẩm, do giá bán rẻ, anh đã bỏ chăm sóc cả năm nay. Năm nay, bưởi nhà anh vẫn có quả nhưng số lượng ít.

“Giá bán thấp quá tôi cũng không buồn thu hoạch, kệ cho chúng rụng đầy vườn. Vài hôm nữa, tôi định chặt bỏ hết, không để lại cây nào thay bằng trồng mít để đem lại lợi nhuận cao mà ít công chăm sóc”, anh Cẩm cho biết.

Còn ông Huỳnh Văn Quận (xã Giao Long) đã quyết định trồng xen dừa vào vườn bưởi khoảng 40.000m2 do giá bưởi quá thấp, thu không đủ bù cho chi. Giải thích lý do không bán bưởi cho những công ty xuất khẩu sang Mỹ để có giá tốt hơn, ông Quận cho rằng bán cho công ty còn "chua" hơn nữa, dù giá lên tới 35.000 đồng/kg.

"Thương lái chỉ chọn mua những trái đủ 1,3 - 1,8kg để cung cấp cho hợp tác xã hay công ty xuất đi thị trường Mỹ. Ngoài số ký trên đều bị trả lại. Những trái bưởi bị trả lại sẽ không bán được hoặc bán với giá rẻ mạt. Do đó, tôi chỉ bán xô (cả bưởi lớn lẫn bưởi nhỏ cùng một giá) với giá 20.000 đồng/kg, tính ra thu nhập vẫn tốt hơn", ông Quận nói.

Theo Nông thôn Việt, ở vùng ĐBSCL, Bến Tre là địa phương có diện tích trồng bưởi da xanh nhiều nhất với khoảng 9.000ha, tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre…, đây cũng là cây trồng chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, một số tỉnh ở ĐBSCL cũng trồng bưởi da xanh.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây ở tỉnh Bến Tre, cho biết bưởi da xanh cũng giống như một số loại nông sản khác, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc vì xuất bán sang đó nhiều nhất. “Nếu xuất thuận lợi thì giá tăng. Còn không thì giá giảm mạnh và khó bán hơn”, ông nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cũng thông tin, sau lô bưởi đầu tiên được xuất sang thị trường Hoa Kỳ, đến nay mới chỉ xuất thêm khoảng trên dưới 100 tấn nữa. Với sản lượng bưởi của tỉnh Bến Tre, số lượng bưởi xuất khẩu chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của trái bưởi da xanh vẫn là Trung Quốc. "Nhưng từ sau đợt dịch, do thị trường Trung Quốc vẫn chưa ăn hàng trở lại, trái bưởi tắc đầu ra nên rớt giá kéo dài", ông Nam nói.

Ngoài ra, do việc thu mua xuất khẩu chiếm tỉ lệ còn thấp, người dân sẽ gặp khó khăn với lượng bưởi không đạt chuẩn còn lại. "Do giá bưởi luôn duy trì ở mức thấp, nhà vườn thua lỗ nên không mặn mà đầu tư cộng thêm tình trạng hạn mặn xâm nhập sâu, bất thường những năm gần đây khiến nhà vườn bỏ phế hoặc chuyển sang trồng các loại cây trồng khác", ông Nam cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng việc xuất khẩu bưởi da xanh đi các thị trường khó tính như Mỹ là thành công bước đầu và đang trong thời gian đàm phán với phía Trung Quốc nên kỳ vọng giá loại trái cây này sẽ tốt hơn khi thị trường Trung Quốc ăn hàng trở lại.

Ông Võ Văn Nam thông tin thêm, Sở Tư pháp tỉnh Bến Tre đang soạn lại mẫu hợp đồng giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã trong liên kết chuỗi mua bán hàng xuất khẩu. Đây sẽ là cơ sở pháp lý ràng buộc giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hợp tác xã và nhà vườn trong việc sản xuất, tiêu thụ trái bưởi một cách rõ ràng hơn.

"Nghĩa là mình sẽ tính toán đến việc ngoài trái bưởi đủ chuẩn đi xuất khẩu, những trái còn lại cũng phải tính toán mua cho người dân để người trồng bưởi có thêm thu nhập trang trải các chi phí chăm sóc vườn cây", ông Nam nói.