CPI tăng 3,29%, lạm phát tăng 4,74% trong 6 tháng

Tổng cục Thống kê cho biết, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/6, trong tháng 6 giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Sáu tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho hay, trong mức tăng 0,27% của CPI tháng 6/2023 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

cpi-1057-1688021085.jpeg

(Ảnh minh họa)

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,57%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; nhóm giao thông tăng 0,16%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11%; nhóm giáo dục tăng 0,11%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.

CPI bình quân quý 2/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,03%; giáo dục tăng 5,81%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,51%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,43%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,36%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,6%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,23%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,21%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,62%. Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là bưu chính viễn thông giảm 0,47%; giao thông giảm 8,34%.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.

CPI 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,74%; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,6%; giá điện sinh hoạt tăng 3,12% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 9,99% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Liên quan tới việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, bà Thu Oanh cho biết, qua theo dõi giá hàng hóa tiêu dung đặc biệt giá lương thực thực phẩm có xu hướng tăng khi tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, theo bà Oanh trong bối cảnh hiện nay nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, việc tăng lương có thể khiến giá cả hàng hóa tăng nhưng sẽ không tăng đột biến.

Để hạn chế tình trạng té nước theo mưa, bà Thu Oanh kiến nghị, các bộ ngành địa phương cần chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng đặc biệt lương thực, thực phẩm; kiểm soát giá nguyên liệu đầu vào, tăng cường nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm giá; tăng cường kiểm tra niêm yết giá, găm hàng, tăng giá; đưa hàng hóa vào các siêu thị bình ổn giá…