Đề xuất mức hỗ trợ vốn cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 7148/BKHĐT-KTNN gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hội, hiệp hội ngành nghề liên quan về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Dự thảo Nghị định được xây dựng với quan điểm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn. Sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP nhằm mục tiêu đảm bảo đồng bộ với các Luật, đặc biệt là các Luật mới được ban hành: Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và phù hợp với thực tiễn. Sửa đổi một số quy định còn chưa phù hợp được phát hiện trong quá trình triển khai Nghị định. Kế thừa cơ chế, chính sách hỗ trợ sau đầu tư của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; quy trình, thủ tục rõ ràng, minh bạch, khả thi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và công tác quản lý nhà nước được đảm bảo trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Hình thức hỗ trợ đầu tư doanh nghiệp được lựa chọn căn cứ các hình thức hỗ trợ đầu tư được quy định tại khoản 1, Điều 18 Luật Đầu tư, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ. Ngành, nghề khuyến khích hỗ trợ thuộc “ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp” theo quy định tại Phụ lục II của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai chính sách.

Kịp thời đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, các yếu tố tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Kịp thời đón nhận cơ hội đầu từ các Hiệp định thương mại tự do EVFTA, EVIPA, CPTPP,…Đồng thời, kịp thời giải quyết những khó khăn trong sản xuất, chế biến nông, lâm thủy sản; phù hợp với xu hướng thay đổi của thị trường nông sản trong nước và quốc tế theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Dự thảo Nghị định gồm 5 Chương, 18 Điều quy định một số chính sách, hình thức hỗ trợ đầu tư của Nhà nước; trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: giữ nguyên như Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

Về chính sách hỗ trợ, trên cơ sở rà soát 7 hình thức hỗ trợ đầu tư tại quy định tại khoản 1, Điều 18 Luật Đầu tư năm 2020, tại Dự thảo Nghị định quy định 2 hình thức hỗ trợ đầu tư gồm: Hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào dự án, vùng nguyên liệu và Hỗ trợ tín dụng. Về nội dung hỗ trợ cụ thể cho các dự án của doanh nghiệp là một phần chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng gồm: Chi phí xây dựng, chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ theo quy định của pháp luật xây dựng ; các nội dung hỗ trợ trên được lựa chọn trên đảm bảo về sự cần thiết, thuận lợi trong quá trình nghiệm thu, đánh giá hỗ trợ cho doanh nghiệp và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Về nguồn vốn và cơ chế hỗ trợ, các thủ tục hành chính trước đây được quy định tại Nghị định 57 và Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nay đã được rà soát, chỉnh sửa quy định hoàn toàn tại Dự thảo Nghị định đảm bảo công khai, minh bạch.

Về nguồn vốn quy định sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển để hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương chủ động sử dụng nguồn vốn được giao để hỗ trợ doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ chỉ giao tổng số vốn cho các địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, còn lại toàn bộ quá trình khác như lập danh mục, phân bổ chi tiết vốn, thẩm tra, nghiệm thu và thanh toán vốn hỗ trợ giao cho địa phương thực hiện.

Ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

Theo dự thảo, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào dự án hoặc vùng nguyên liệu phục vụ cho dự án. Chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được Nhà nước hỗ trợ bao gồm chi phí xây dựng, chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ (bao gồm cả dây chuyền sản xuất) được xác định theo quy định của pháp luật xây dựng áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, các dự án ứng dụng công nghệ cao, các dự án sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ và các dự án liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư đáp ứng điều kiện và được hưởng nội dung hỗ trợ tại Nghị định này mà trùng với quy định khác của pháp luật liên quan thì doanh nghiệp chỉ được lựa chọn một nội dung hỗ trợ có lợi nhất.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp chủ động bố trí vốn và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của pháp luật. Nhà nước hỗ trợ sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động theo quy định tại Nghị định này.

Công trình, hạng mục công trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ hình thành sau đầu tư không là tài sản công và do doanh nghiệp quản lý và sử dụng.

Hỗ trợ đầu tư chăn nuôi gia súc tối đa 10 tỷ đồng/dự án

Dự thảo nêu rõ, ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Có dự án chăn nuôi gia súc (bò, lợn) để làm giống, lấy sữa hoặc lấy thịt tại vùng nông thôn;

Dự án có quy mô chăn nuôi hàng năm đáp ứng một trong các điều kiện theo thiết kế tối thiểu: 100 con bò thịt; hoặc 30 con bò sữa, bò giống; hoặc 500 con lợn thịt; hoặc 100 con lợn giống. Trường hợp chăn nuôi kết hợp hai loại trở lên, quy mô tối thiểu mỗi loại bằng 50% quy mô nêu trên.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 30% chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của dự án nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ đầu tư nuôi trồng thuỷ sản tới 15 tỷ đồng/dự án

Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đồng thời các điều kiện: Có dự án nuôi trồng thủy sản tại vùng nông thôn; Quy mô diện tích nuôi thủy sản tối thiểu từ 5 ha trở lên.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 30% chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của dự án nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không quá 10 tỷ đồng/dự án

Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đồng thời các điều kiện: Có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc hoặc gia cầm tập trung tại vùng nông thôn; Công suất giết mổ một ngày/đêm của dự án theo thiết kế phải đạt tối thiểu 200 con gia súc; hoặc 2.000 con gia cầm. Trường hợp kết hợp hai loại, quy mô tối thiểu mỗi loại bằng 50% quy mô nêu trên.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 30% chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.