Khánh Hòa: Mưa lớn, chủ động ứng phó với mưa lũ

Từ tối 26/10 đến sáng 27/10, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tỉnh này đang thực hiện các biện pháp để chủ động ứng phó với mưa lũ lớn.

Sáng 27/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) và phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương về việc chủ động ứng phó với mưa lũ lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ, kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao; gió đông bắc có cường độ trung bình; trong 12 giờ qua (từ 18h ngày 26/10 đến 6h ngày 27/10), khu vực tỉnh Khánh Hòa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong đó, Nha Trang 108mm; Ninh Hòa 94,6mm; Diên Phú 46,2mm; Khánh Vĩnh 42,8mm.

Dự kiến, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục còn duy trì và hoạt động mạnh trong ngày 27/10; từ ngày 28 - 29/10 hoạt động yếu dần. Riêng ngày 27/10 ảnh hưởng kết hợp nhiễu động gió đông trên cao, nên tỉnh Khánh Hòa trong ngày 27/10, nhiều mây, có mưa vừa đến mưa to và dông, các ngày còn lại mưa giảm dần.

Lượng mưa cụ thể các ngày như sau: Ngày 27/10, nhiều mây, có mưa vừa đến mưa to và dông, lượng mưa các nơi phổ biến từ 40-60mm, cục bộ có nơi cao hơn 80mm. Ngày 28/10, có mưa rào rải rác, lượng mưa các nơi phổ biến từ 10-30mm. Ngày 29/10, có mưa rào rải rác, lượng mưa các nơi phổ biến từ 10-30mm.

khanh-hoa-mua-lon-chu-dong-ung-pho-voi-mua-lu-5-1666844728.jpeg

Từ tối 26/10 đến sáng 27/10, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ảnh: Châu Tường.

Để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trong thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa đề nghị Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:

Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thị xã, thành phố tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn.

Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở. Bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị đóng trên địa bàn rà soát phương án, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở do mưa lũ.

Các sở, ngành khác có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Ban Chỉ huy cũng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình khi có mưa lũ lớn, đặc biệt là đảm bảo an toàn người lao động và người dân trong khu vực xây dựng công trình.

Tổ chức gia cố, giằng néo các phương tiện, trang thiết bị và bố trí lực lượng, phương tiện để kịp thời khắc phục các sự cố công trình do mưa lũ gây ra.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến mưa lũ, tính toán lưu lượng nước về hồ, đánh giá tình hình ngập lụt vùng hạ du để điều tiết, xả lũ hợp lý đảm bảo an toàn công trình và hạn chế gây ngập lụt thêm ở vùng hạ du.

Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

Tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh để nắm bắt, chỉ đạo kịp thời.

khanh-hoa-mua-lon-chu-dong-ung-pho-voi-mua-lu-2-1666844778.jpeg

Mưa lớn gây ngập cục bộ tại một số khu vực đường Nguyễn Tất Thành, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: MC.

Theo ghi nhận, từ tối 26/10 đến sáng 27/10 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa lớn, trên một số tuyến đường cũng như một số khu vực trên địa bàn tỉnh này bị ngập cục bộ gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.

khanh-hoa-mua-lon-chu-dong-ung-pho-voi-mua-lu-4-1666844815.jpeg

Nước tràn qua đường tại quốc lộ 27C đoạn qua xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa khiến người dân đi lại khó khăn. Ảnh: Ngọc Thoa.

khanh-hoa-mua-lon-chu-dong-ung-pho-voi-mua-lu-1-1666844840.jpeg

Do mưa lớn, một số khu vực tại xã Vĩnh Ngọc, Tp.Nha Trang ngập trong nước. Ảnh: Vũ Uyên.