Nguồn cung lương thực dự trữ quốc gia sẵn sàng ứng phó kịp thời tình huống cấp bách

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đảm bảo nguồn lương thực dự trữ quốc gia, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống đột xuất cấp bách.

Báo Lao động đưa tin, ngày 21/8, Bộ Tài chính phát đi thông cáo về đảm bảo đủ nguồn lương thực dự trữ quốc gia sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách.

Cụ thể, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã chủ động rà soát, cân đối nguồn lực lương thực dự trữ quốc gia; đảm bảo duy trì mức tồn kho hợp lý, đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu quy định của Luật Dự trữ quốc gia, chủ động, ứng phó nhanh, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách, không để người dân thiếu lương thực thiếu gạo, khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh.

nguon-cung-luong-thuc-du-tru-quoc-gia-san-sang-ung-pho-kip-thoi-tinh-huong-cap-bach2-1692669772.jpeg

Nguồn cung lương thực dự trữ quốc gia sẵn sàng ứng phó kịp thời tình huống cấp bách.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN theo dõi sát diễn biến của thị trường, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh lương thực, nhu cầu xuất cấp của các địa phương để phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, kịp thời tham mưu trình bộ, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch và dự toán năm 2023 để mua bổ sung lương thực dự trữ quốc gia nếu thấy cần thiết; đồng thời xây dựng kế hoạch mua lương thực năm 2024 với mức dự trữ phù hợp, đảm bảo nguồn lực dự trữ sẵn sàng thực hiện xuất cấp kịp thời theo quyết định của cấp có thẩm quyền và góp phần tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết.

Đặc biệt, trước bối cảnh thị trường có biến động mạnh về lượng cung cầu và giá lương thực tại thời điểm đang tổ chức mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia, ngày 18/8, Tổng cục DTNN có Văn bản số 1259/TCDT-KH yêu cầu các Cục DTNN khu vực khẩn trương triển khai hoàn thành kế hoạch lương thực được giao năm 2023.

Theo đó, Tổng cục DTNN yêu cầu các Cục DTNN khu vực và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp, khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền; theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực và dự báo, đánh giá những tác động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng mua gạo dự trữ quốc gia đã ký để chủ động có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Kịp thời báo cáo và đề xuất giải pháp với với Tổng cục DTNN trong các trường hợp phát sinh vượt quá thẩm quyền xử lý của đơn vị.

Đồng thời, yêu cầu các Cục DTNN khu vực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ hàng dự trữ quốc gia; báo cáo, tham mưu cho Tổng cục trong chỉ đạo điều hành nhập, xuất, luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia.

Tổng cục DTNN yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, cân đối nguồn lực dự trữ quốc gia để kịp thời tham mưu cho Tổng cục trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch mua tăng nếu thấy cần thiết; đảm bảo mức tồn kho, đáp ứng chủ động sẵn sàng, ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách; không để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh.

"Nghiêm cấm mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định, đúng thẩm quyền của đơn vị", Bộ Tài chính lưu ý.

Theo báo Công an nhân dân, ngày 21/8, giá lúa gạo tại thị trường trong nước duy trì ổn định. Theo dự báo Việt Nam còn khoảng 2,67 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Trong 7 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu cao cũng đẩy giá nguyên liệu trong nước đi lên, doanh nghiệp không dám mua vào vì nguồn vốn lớn, rủi ro cao.