Phát triển làng nghề cần cách nhìn mới, tư duy mới

Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 được tổ chức trên cơ sở thúc đẩy giá trị truyền thống, phát triển làng nghề theo hướng bảo tồn và hội nhập.

Ngày 26/9, Họp báo Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 đã được tổ chức. Festival lần này sẽ được diễn ra từ tháng 10/2023 đến 11/2023, lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác, nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam.

Qua đó tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.

Phát biểu tại họp báo, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự kiến, sự kiện sẽ có 3 hoạt động chính: Lễ tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi; lễ khai mạc Festival và trao giải hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam; chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống.

le-duc-thinh-nguoiduatin-small-1695723074.jpeg

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT).

Về Hội chợ làng nghề Việt Nam lần thứ 19 và không gian triển lãm, giới thiệu sản phẩm OCOP Việt Nam, dự kiến hội chợ có 300 gian hàng, trong đó Bộ NN&PTNT 180 gian hàng (20 gian hàng quốc tế, 10 gian hàng trưng bày sản phẩm của các nghệ nhân và 150 gian hàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương), UBND thành phố Hà Nội 120 gian hàng.

“Dù đang quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng văn hóa làng nghề truyền thống ở Việt Nam không mất đi, và được tiếp nối bởi giới trẻ. Phát triển làng nghề cần cách nhìn mới, tư duy mới, làm thế nào để tôn vinh nghề truyền thống của Việt Nam, tôn vinh được những người nghệ nhân” ông Thịnh nói.

Nghệ nhân chính là những người lưu giữ lại giá trị của làng nghề. Đồng thời, các nghề truyền thống, đặc biệt ở nông thôn đem lại giá trị việc làm lớn đối với các lao động, tạo ra giá trị kết nối rất nhân văn ở nông thôn.

lang-huong-nguoiduatinvn-19-1-1695723146.jpeg

Nghệ nhân chính là những người lưu giữ lại giá trị của làng nghề.

Ngoài ra, ông Thịnh cũng nhấn mạnh Festival lần này còn hướng đến hội nhập và lan tỏa, với sự tham dự của nhiều bạn bè đến từ quốc tế. “Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam 2023 có điểm đặc sắc, trên cơ sở thúc đẩy, đề cao giá trị truyền thống, tinh hoa làng nghề; đổi mới và phát triển làng nghề theo hướng bảo tồn và hội nhập” ông Thịnh nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: “Hà Nội là nôi nghề của cả nước, tập trung hơn 80% làng nghề ở Việt Nam. Hiểu được tầm quan trọng đó, Tp. Hà Nội muốn giá trị làng nghề và giá trị văn hóa, văn hiến như những bảo vật quốc gia sẽ được lan tỏa mạnh mẽ nhất, để sống dậy sự tự hào của các nghệ nhân”.

Ông Tường khẳng định, không chỉ dừng lại ở đó, sự kiện còn là sự kết nối của các nghệ nhân mọi miền đất nước về với Hà Nội cũng như lan tỏa ra quốc tế. Festival lần này là cơ hội để tôn vinh, lan tỏa những giá trị lâu đời, nghệ thuật làng nghề cũng như khơi dậy những nét văn hóa được lưu giữ, bảo tồn đến ngày nay.

Về những điểm mới trong sự kiện lần này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội bật mí sẽ có các cuộc thi về các sản phẩm làng nghề. Các cuộc thi được tổ chức nhằm tôn vinh các nghệ nhân, cũng là tiêu chí để xét công nhận nghệ nhân sau này.

Về những tiêu chí khác biệt mà các nghệ nhân cần lưu ý, ông Tường nhấn mạnh: “Xu thế mở hiện nay sẽ khơi gợi sự sáng tạo, thúc đẩy phát triển làng nghề nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Đây là giá trị cốt lõi, là câu chuyển của các sản phẩm làng nghề có thể lan tỏa”.

Chia sẻ về tiêu chí của hội thi, ông Trần Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác cho biết 5 nhóm nghề thủ công bao gồm: đồ sứ và thủy tinh; dệt thêu đan, móc; mây tre, lá tự nhiên; sơn mài khảm trai; gỗ và nhóm khác bao gồm sừng, chai ốc, chạm khắc đá, kim khí, hoa tranh...

Về yêu cầu của sản phẩm dự thi, ông Tiến cho biết, sản phẩm phải dự thi có thời gian hoàn thành không quá 12 tháng tính đến ngày đăng ký dự thi do chính tác giả hoặc nhóm tác giả sáng tác và tạo mẫu không phải là sản phẩm sao chép. Sản phẩm chưa đạt giải tại các hội thi khác là do cấp Bộ, cấp trung ương tổ chức trở nên ở trong nước, quốc tế thì vẫn có quyền được tham gia cuộc thi.