Thanh Hóa: Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc

Với nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Với quyết tâm cao trong lãnh chỉ đạo và điều hành, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn giúp tỉnh nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 14,24% đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố 4; trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,23%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,2%; dịch vụ tăng 11,86%; thuế sản phẩm tăng 21,24%

25-1666753941.jpeg

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao (ảnh minh họa)

Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản mặc dù bị tác động của dịch Covid-19 và giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng vẫn có bước phát triển và khá toàn diện. Cụ thể tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,58 triệu tấn, bằng 103,4% KH; Chăn nuôi phát triển ổn định; công tác phòng, chống dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nên không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng chuồng 9 tháng ước đạt 210,4 nghìn tấn, bằng 75,1% KH, tăng 9,2% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 238,2 triệu quả, bằng 79,4% KH, tăng 6,2%; sản lượng sữa tươi ước đạt 44,5 nghìn tấn, bằng 63,5%KH, tăng 10,6%.

Phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao và các sản phẩm Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được đẩy mạnh, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có tính liên kết vùng cao. Trong 9 tháng đầu năm đã tổ chức Lễ công bố huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; có thêm 05 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu 8; bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí/xã, tăng 0,1 tiêu chí so với cùng kỳ. Có thêm 78 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP hiện có trên địa bàn tỉnh lên 236 sản phẩm, trong đó có 01 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp phục hồi và phát triển; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm ước tăng 16,03% so với cùng kỳ; có 19/26 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ; Có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Nhà máy may xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn…

Hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) phát triển góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng trưởng cao; giá trị xuất khẩu 9 tháng ước đạt 4.404 triệu USD, bằng 77,3% KH, tăng 11,7%11; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 7.265 triệu USD, tăng 49%1 65,3 tỷ USD, tăng 1,1%; trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 35,2 tỷ USD, tăng 4,1% so cùng kỳ.

Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN 9 tháng ước đạt 39.325 tỷ đồng, bằng 133% dự toán, tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay.

Cùng với phát triển, phục hồi kinh tế, các lĩnh vực văn hoá – xã hội cũng được tỉnh quan tâm sát sao. Công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm thực hiện; Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội Mường Xia, Hát sắc bùa của người Mường ở Thanh Hóa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” và Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và có bước phát triển. Thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực; trong 9 tháng đã đạt 522 huy chương các loại (157 HCV, 148 HCB, 217 HCĐ); trong đó các VĐV tỉnh ta đã giành 10 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ tại SEA Games 31, cao nhất từ trước đến nay. Đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX, năm 2022; đang tích cực chuẩn bị lực lượng tham gia các giải thể thao trong nước, khu vực và quốc tế trong 3 tháng cuối năm 2022

Hoạt động du lịch được phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại; đã tổ chức thành công “Lễ công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa, phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa” và các chương trình kích cầu, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch…góp phần thu hút du khách đến với tỉnh. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng lượng khách du lịch 9 tháng đầu năm đạt 10.385 nghìn lượt, bằng 103,9% KH, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 109,6 nghìn lượt khách, gấp 8,7 lần); tổng thu du lịch ước đạt 19.075 tỷ đồng, bằng 106,4% KH, gấp 4,1 lần.

Đặc biệt về lĩnh vực giáo dục, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng cao; Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, toàn tỉnh có 411 điểm 10, xếp thứ nhất cả nước; điểm trung bình đạt 6,347 điểm, xếp thứ 27, tăng 05 bậc so với năm 2021. Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực; học sinh tỉnh ta đạt 01 huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Toán Quốc tế; đạt 58 giải (01 giải Nhất, 12 giải Nhì, 22 giải Ba, 23 giải Khuyến khích) tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021 - 2022. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 81,2%, vượt kế hoạch năm 2022

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tai nạn giao thông chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được Thanh Hóa vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của năm 2022 tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung khắc phục những vướng mắc còn tồn tại, chủ động nắm bắt tình hình, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và ổn định đời sống cho người dân.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ thúc đẩy việc thu hút và phát triển các ngành công nghệ cao, đẩy nhanh tiến độ đầu tư giải phóng mặt bằng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và triển khai các khu công nghiệp. Chính quyền cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và quản lý tốt các nguồn thu, khai thác hiệu quả các dư địa thu ngân sách, đẩy mạnh tăng thu ngân sách bền vững.

Mặt khác, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, Thanh Hóa sẽ phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Thanh: Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; Thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới; làm tốt công tác án ninh quốc phòng; Phòng, chống dịch đặc biệt là tiêm vắc-xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin. Quan tâm đào tạo lao động, giải quyết việc làm; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững.