Xuất khẩu cá tra sang Ả Rập Xê Út tăng mạnh, cơ hội rất lớn

Như vậy, thị trường này đứng thứ 2 sau Ai Cập trong khối các nước Trung Đông, đứng thứ 18 trên thế giới về nhập khẩu cá tra Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Ả Rập Xê út là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn của Việt Nam về thủy sản, đặc biệt là mặt hàng cá tra trong khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á. Quốc gia này cũng là thị trường có vai trò đầu tàu tại khu vực Trung Đông, quyết định lớn tới động thái nhập khẩu hàng thủy sản của các quốc gia trong khu vực.

Tính đến hết 15/3/2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Ả Rập Xê út đạt hơn 4,3 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (với 3,8 triệu USD). So với cùng kỳ 2022, tỉ trọng nhập khẩu cá tra của “đất nước có diện tích lớn thứ 5 Châu Á” này tăng từ 0,8% lên 1%.

Xuất khẩu cá tra sang Ả Rập Xê út trong 2 tháng đầu năm 2023 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 3/2023, xuất khẩu cá tra sang quốc gia này đạt 1,2 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ hơn 800 nghìn USD).

Tính đến giữa tháng 3/2023, thị trường này đứng thứ 2 sau Ai Cập trong khối các nước Trung Đông, đứng thứ 18 trên thế giới về nhập khẩu cá tra Việt Nam. Trong bối cảnh lạm phát, rất nhiều các quốc gia cùng khu vực chứng kiến tăng trưởng âm về nhập khẩu cá tra của Việt Nam cùng với những quy định khắt khe đặt ra từ phía Ả Rập Xê út áp dụng khi nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào đất nước này, thì đây cũng là một dấu hiệu tích cực.

xuat-khau-ca-tra-sang-a-rap-xe-ut-tang-manh-co-hoi-rat-lon-0-1680857179.jpeg

Xuất khẩu cá tra sang Ả Rập Xê út phục hồi trong quý I/2023. Ảnh minh họa.

Ả Rập Xê út là thị trường khắt khe về các quy định vệ sinh ATTP, nhãn hiệu thương mại và kiểm dịch động vật. Đặc biệt là “chương trình chăn nuôi Halal”. Không chỉ yêu cầu các lô hàng thủy sản xuất khẩu có giấy chứng nhận Halal theo mẫu mà chương trình này còn kiểm soát cả khâu thức ăn thủy sản.

Cá tra vốn là thế mạnh lớn nhất của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này nhưng ghi nhận sụt giảm mạnh từ năm 2018 do bị tạm đình chỉ nhập khẩu. Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này năm 2018 chỉ đạt 10,6 triệu USD, giảm đến 80% so với năm 2017.

Trước đó, Ả Rập Xê út là thị trường tiềm năng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam do Quốc gia này có địa hình chủ yếu là hoang mạc khô hạn không có điều kiện phát triển nuôi thủy sản.

Tới nay, sau hơn 2 năm kể từ khi Ả Rập Xê út dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, đã có nhiều công ty xuất khẩu lượng hàng giá trị lớn. Điều đó vừa thể hiện tiềm năng xuất khẩu cá tra của Việt Nam vừa mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp nước ta xuất khẩu sang “Quốc gia có GDP lớn thứ 18 thế giới” này.

Mặc dù đưa ra các nguyên tắc gây thêm rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng Ả Rập Xê út luôn là “thị trường đầu tàu” khu vực Trung Đông, các động thái chính sách của Vương quốc này có thể ảnh hưởng đến các thị trường khác trong khu vực. Do đó việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Ả Rập Xê út có ý nghĩa quan trọng.

  • Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta tháng 3/2023 đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2023, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý 1 năm 2022...
  • Theo Hiệp hội Chế và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm, dẫn đến lượng và giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý đầu năm nay cũng giảm theo.
  • Đáng chú ý, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thủy sản chủ lực giảm từ 8 – 39%. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Tuy nhiên, xuất khẩu các loài cá biển khác vẫn tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.