Xuất khẩu rau quả tăng, hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,8 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng được ví là “ngôi sao sáng” của ngành từ đầu năm đến nay.

Theo số liệu trên báo Đại Biểu Nhân Dân, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,8 tỷ USD, gần tiệm cận con số của cả năm 2022 (3,3 tỷ USD). Trong đó, sầu riêng được ví là “ngôi sao sáng” của ngành từ đầu năm đến nay.

Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 24,59 tỷ USD. Tuy con số này giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng các mặt hàng trong nhóm nông sản chính xuất khẩu vẫn đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, xuất khẩu rau quả tháng 6/2023 ước tính đem về gần 0,95 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với tháng 6/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,8 tỷ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chính như vải, nhãn, sầu riêng...

xuat-khau-rau-qua-tang-du-kien-bung-no-huong-toi-muc-tieu-5-ty-usd-0-1688349384.png

6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,8 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hoà cho biết, trong số những mặt hàng xuất khẩu chính thì sầu riêng được ví là một “ngôi sao sáng” từ đầu năm đến nay. 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đạt hơn 503 triệu USD, tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, Trung Quốc chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam. Đây là kết quả rất tích cực từ việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7/2022. Tính đến cuối tháng 5, phía Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng đạt yêu cầu nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số 293 và 115 cơ sở được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, sầu riêng Việt Nam cũng đã được mở rộng sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Anh... Đơn cử, đầu tháng 5, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, lô hàng sầu riêng Ri6 khoảng năm tấn của Việt Nam do Công ty TT Meridian Ltd (Anh) nhập khẩu chính ngạch đã thông quan, phân phối đến các siêu thị tại Anh.

Kết quả này nhờ hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu vào Anh theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cùng với chất lượng vượt trội đã giúp sầu riêng Ri6 Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại thị trường Anh so với sầu riêng từ các nước khác.

Thông tin thêm trên Công Thương, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, nếu tiếp đà thuận lợi này, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể đạt mốc 1 tỷ USD.

Ông Lê Thanh Hoà nhấn mạnh, thành công của việc xuất khẩu sầu riêng cho thấy chính sách chuyển đổi cây trồng sang cây sầu riêng đã mang lại hiệu quả, giúp cải thiện đời sống cho bà con, nâng cao thu nhập và đóng góp chung vào thành tích chung của xuất khẩu rau quả và nông sản nói riêng. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả sau 6 tháng đã tăng rất mạnh, gần bằng cả năm 2023, tăng trưởng đến 64%.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hoà cũng chỉ rõ, do ảnh hưởng bởi vấn đề thông quan nên xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang gặp đôi chút khó khăn.

“Nguyên nhân là theo thống nhất giữa hải quan Việt Nam và Trung Quốc, trái vải đang là loại trái cây được ưu tiên xuất khẩu. Do vải đang vào chính vụ nên lượng xuất khẩu lớn, cứ đưa lên cửa khẩu là được ưu tiên thông quan. Cho nên các mặt hàng khác như mít, thanh long, sầu riêng… đôi lúc bị ùn ứ”, ông Lê Thanh Hoà lý giải.

Trong khi đó, sầu riêng là loại trái cây nhanh chín nên nếu thời gian thông quan lâu sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng quả, khiến xe phải quay đầu về lại thị trường nội địa, giá trị giảm xuống. Cho nên, nếu có được chính sách thông quan tốt hơn, chắc chắn kết quả xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ tốt hơn.

Dự đoán xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sở dĩ trong 1 tháng mà xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục, vượt 1 tỷ USD, là do thị trường Trung Quốc mở cửa với nhiều loại trái cây Việt Nam như sầu riêng, bưởi...

Trung Quốc dẫn đầu trong top 5 thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm hơn 63% tổng giá trị xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Ngoài thị trường Mỹ có sự sụt giảm 12% so với cùng kỳ 2022 thì các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan có mức tăng lần lượt là 12%, 0,5% và 70%.

Ông Nguyễn Phúc Nguyên nhấn mạnh nếu ngành rau quả giữ vững đà xuất khẩu cho đến cuối năm 2023 thì kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 5 tỷ USD như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra cho năm 2025.