Ba trường hợp thẻ BHYT không có giá trị sử dụng, ai cũng nên biết

Thẻ BHYT là căn cứ để xác định việc chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho người tham gia. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thẻ BHYT sẽ không có giá trị sử dụng.

Thẻ bảo hiểm y tế là gì?

Khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 quy định, bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức thực hiện, được áp dụng đối với các đối tượng do luật định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận.

Bảo hiểm y tế (BHYT) được quản lý theo 02 hình thức: BHYT bắt buộc (áp dụng với người lao động trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức; học sinh, sinh viên…) và BHYT tự nguyện (áp dụng với người không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc).

Theo quy định tại Điều 16, Luật Bảo hiểm y tế 2008, thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này.

Mỗi người dân khi tham gia BHYT sẽ được cấp 01 thẻ bảo hiểm y tế dùng làm căn cứ để xác định các quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia khi đi khám, chữa bệnh BHYT theo quy định.

Hiện nay thẻ BHYT được cấp theo mẫu mới áp dụng trên toàn quốc và có dấu xác nhận của Cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ.

Theo quy định, khi đi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.

Từ ngày 01/6/2021, người dân trên toàn quốc đã được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID bảo hiểm xã hội khi đi khám chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ bảo hiểm bằng giấy. Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT sử dụng đầu đọc để quét mã QR-code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID đối với trường hợp cơ sở không có đầu đọc.

Về giá trị sử dụng, căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 16 Chương III Luật Bảo hiểm Y tế (Luật số: 25/2008/QH12, ngày 14 tháng 11 năm 2008), sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số: 46/2014/QH13, ngày 13 tháng 6 năm 2014, đối với người tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 của Luật này đóng BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi hoặc người tham gia BHYT quy định tại Khoản 2 Điều 51 của Luật này thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT.

Đối với người tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 3 Điều 50 của Luật này đóng BHYT lần đầu hoặc đóng BHYT không liên tục thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT; riêng đối với quyền lợi về dịch vụ kỹ thuật cao thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 180 ngày, kể từ ngày đóng BHYT.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi.

Trường hợp cấp cứu: Được tiếp nhận tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tùy thân chứng minh nhân thân hợp lệ trước khi ra viện. Trong quá trình điều trị phát hiện và phải điều trị một số bệnh thì điều trị tại nơi cơ sở KCB được tính đúng tuyến.

Trường hợp chuyển tuyến điều trị: Được chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định trong trường hợp cơ sở KCB BHYT vượt quá khả năng điều trị hoặc các dịch vụ kỹ thuật đơn vị không triển khai thực hiện. Người bệnh phải xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ và giấy chuyển viện của cơ sở KCB chuyển tuyến.

Trường hợp thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh: Đối tượng là" sĩ quan hạ sĩ quan, người làm công tác cơ yếu...; Người có công với cách mạng; Thân nhân người có công với cách mạng (cha đẻ, mẹ đẻ, con, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); Trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc diện bảo trợ bảo trợ hàng tháng;" thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí vận chuyển 2 chiều trong trường hợp chuyển tuyến kỹ thuật.

Trường hợp khám lại: theo yêu cầu điều trị: Người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB. Giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng cho 1 lần thực hiện khám chữa bệnh.

Trường hợp thẻ BHYT không có giá trị sử dụng

Thẻ BHYT là căn cứ để người tham gia được hưởng các quyền lợi bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, thẻ BHYT sẽ không có giá trị sử dụng trong các trường hợp được quy định tại Khoản 4, Điều 16, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 gồm 3 trường hợp sau đây:

(1) Thẻ đã hết thời hạn sử dụng. Thời hạn sử dụng của thẻ BHYT phụ thuộc vào đối tượng tham gia và thời điểm đóng BHYT

(2) Thẻ bị sửa chữa, tẩy xoá.

(3) Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia BHYT.

Nếu thẻ BHYT của bạn rơi vào một trong 2 trường hợp đầu, bạn cần đổi thẻ BHYT mới để được giải quyết các quyền lợi bảo hiểm y tế theo quy định.