Đẩy mạnh khuyến mãi để kích cầu mua sắm

Tp.HCM đang triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá khuyến mãi sâu để hạn chế tình trạng tăng giá hàng hóa theo tăng lương.

Sáng 19/7, Báo Tin tức đăng tải, tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý 2/2023, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, cho biết đang triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá, khuyến mãi sâu để hạn chế tình trạng tăng giá theo lương.

Bắt đầu từ ngày 1/7, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%). Bên cạnh niềm vui tăng lương sau bốn năm chờ đợi, người dân lại canh cánh nỗi lo giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm lại được dịp "té nước theo mưa". Tp.Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá, khuyến mãi sâu để hạn chế tình trạng này.

kich-cau-mua-sam-1689754444.jpeg

Đại diện Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến ngành công thương trong chiều 18/7.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay một số tiểu thương tăng giá hàng hóa do giá cả các mặt hàng ở chợ phụ thuộc đầu vào và lượng khách hàng vào từng thời điểm. Do đó, việc tăng giá hiện nay không hoàn toàn “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, để kìm giá cả hàng hóa, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Thành phố đã triển khai hàng loạt hoạt động bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ðiều này góp phần ngăn chặn "làn sóng" tăng giá khi lương tăng và làm vơi bớt phần nào nỗi lo cho người dân.

Hiện nay, Tp.HCM đang có chương trình khuyến mãi tập trung - mùa mua sắm “Shopping Season” kéo dài từ 15/7 đến 15/9; trong đó có sự kiện khuyến mãi hàng hiệu từ ngày 25 đến 27/8.

Sơ kết giai đoạn 1 (từ 15/6 đến 15/7), có hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia, hơn 7.200 chương trình khuyến mãi, trên 30% trong số doanh nghiệp tham gia có hạn mức giảm giá từ 50% trở lên, góp phần tăng đáng kể doanh thu bán lẻ so với tháng trước. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 555.668 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Mùa mua sắm “Shopping Season” sẽ được triển khai rộng rãi đến toàn thể doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn và thu hút trên 3.000 doanh nghiệp, nhà bán lẻ với hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá, dành cho nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là sản phẩm lương thực, thực phẩm. Chương trình cũng nhằm hỗ trợ, san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu với người tiêu dùng. Theo thống kê của ngành công thương TP.Hồ Chí Minh, doanh số khuyến mãi đến nay hơn 120 nghìn tỷ đồng.

Đánh giá từ các cơ quan chức năng, với chương trình “Shopping Season”, hiện nay sức mua đang có nhích lên sau khi bước vào mùa mua sắm hè. Tại hệ thống siêu thị lớn như Satra, Go!, Co.opmart, WinCommerce, MM Mega Market, số lượng chương trình khuyến mãi ghi nhận tăng 20-30% so với năm ngoái. Hàng trăm sản phẩm như dầu ăn, bánh kẹo... được các siêu thị khuyến mãi mua 1 tặng 1. Các sản phẩm như trái cây vùng miền, thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng tại đây cũng giảm tới 49%. Việc giảm giá trên, theo các doanh nghiệp đang giúp sức mua phục hồi trở lại.

kich-cau-mua-sam-1-1689754422.jpeg
Ảnh: minh họa

Các chương trình khuyến mãi được tung ra liên tiếp nhằm kích cầu mua sắm.

Trao đổi với Thời Báo Ngân hàng, Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại Tp.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, thực tế khuyến mãi là việc cần làm trong thời điểm hiện nay để hỗ trợ người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian khuyến mãi kéo dài 3 tháng sẽ không trở thành hoạt động kích cầu phù hợp nếu không có những kế hoạch mang tính chất toàn diện. Do đó, bên cạnh việc khuyến mãi theo từng ngành nghề cụ thể, trong chu kỳ 3 tháng này cần có những hoạt động khác để kết hợp các ngành nghề với nhau, ví dụ như bán lẻ với du lịch, bán lẻ với các ngành nghề văn hóa khác… để tạo nên những giá trị cộng hưởng và mang lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, từ ngày 1/7 đến 31/12/2023, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, từ mức 10% xuống còn 8% của Chính phủ chính thức được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ðiều chỉnh này góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm giá bán và giảm chi phí người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hàng ngày.

Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá do nguy cơ lạm phát bùng phát. Ðể ngăn ngừa tình trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng Thành phố cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào để cân đối cung - cầu thị trường, ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; kiểm soát việc kê khai, niêm yết giá công khai tại các điểm bán lẻ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá cả hàng hóa, dịch vụ.