EVN nhất trí điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3 tháng 1 lần

Theo dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, theo Vietnamnet.

Theo đó, trên cơ sở Dự thảo Quyết định đính kèm Công văn số 4583/BCT-ĐTĐL ngày 13/7/2023 của Bộ Công Thương, các nội dung đã trao đổi và thống nhất tại cuộc họp ngày 7/8 giữa Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và EVN, tập đoàn thống nhất với nội dung dự thảo quyết định sau khi hiệu chỉnh như bản đính kèm.

gia-dien-1108-1692602963.jpeg

(Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo dự thảo được hiệu chỉnh, nguyên tắc điều chỉnh giá là sau khi Bộ Công Thương kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu. Chi phí này bao gồm khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân sẽ có tăng, có giảm với biên độ được quy định rõ ràng. Cụ thể, trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ giảm giá bán ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp tăng giá sẽ được áp dụng khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên. Tuy nhiên, thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ căn cứ vào mức độ tăng của giá bán điện bình quân.

Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ được quyền điều chỉnh tăng ở mức tương ứng. Sau khi tăng, EVN sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền quyết định khi nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, một trong những quy định được EVN đề xuất sửa đổi khác với phương án của Bộ Công Thương là phương pháp lập giá bán điện bình quân, theo Tuổi trẻ Tp.HCM.

Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Công Thương quy định giá bán lẻ điện bình quân năm được lập trên cơ sở chi phí của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành, chi phí khác được phân bổ và chỉ bao gồm những chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện, lợi nhuận định mức của EVN để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện.

Trong bản dự thảo được hiệu chỉnh, EVN đề xuất sửa đổi chi phí khâu “truyền tải điện” là chi phí “mua các dịch vụ truyền tải điện”; bổ sung thêm chi phí “điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực”.

Trên cơ sở đó, trong tổ chức thực hiện EVN đề nghị Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn EVN việc tính toán giá bán điện bình quân và các thành phần chi phí như đã nêu trên.