Hơn 1 triệu thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Năm nay, cả nước có 1,02 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm 2022 khoảng 24.000 em.

Chiều 27/6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước làm thủ tục, chuẩn bị cho hai ngày thi 28-29/6. Những năm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT được phân cấp, để UBND tỉnh, thành chỉ đạo tổ chức và chịu trách nhiệm toàn diện. Đến hiện tại, các địa phương đã hoàn tất khâu chuẩn bị.

Hôm nay, ngày 28/6, thí sinh sẽ thi môn ngữ văn (buổi sáng, thời gian làm bài 120 phút) và thi toán (buổi chiều, thời gian làm bài 90 phút).

lich-thi-tot-nghiep-thpt-2023-965-0620-1687917937.jpeg

Năm nay, Hà Nội có hơn 102.000 thí sinh, đông nhất cả nước. Thành phố bố trí gần 4.300 phòng tại 189 điểm thi ở 30 quận, huyện, thị xã. Sở GD-ĐT điều động 19.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ coi thi; gần 600 thanh tra.

Theo báo cáo của UBND Tp.HCM, năm nay, thành phố có hơn 97.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó 85.452 thí sinh THPT; 9.194 thí sinh GDTX và 2.791 thí sinh tự do.

Bộ GD-ĐT cũng huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại 63 sở GD-ĐT. Cùng đó, Bộ thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại 20 địa phương.

Qua thống kê, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là 1.024.063. Số điểm thi trên toàn quốc là 2.273, với tổng số phòng thi là 44.661.

tt-pham-ngoc-thuong-7251-1687762720138911784222-0620-1687917979.jpeg

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng động viên thầy trò Trường THPT Gia Viễn B, Ninh Bình trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT..

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2023 cho biết: Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc thường niên hàng năm của ngành Giáo dục và luôn là việc được ngành xác định cần tập trung cao nhất, không thể chủ quan, lơ là.

Khâu quan trọng, quyết định thành công của kỳ thi chính là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu càng tốt cho quá trình tổ chức kỳ thi bấy nhiêu.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông những năm qua đã được phân cấp về UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.

Do đó, sự chuẩn bị từ địa phương bao gồm các điều kiện cơ sở vật chất, lựa chọn con người, tập huấn đội ngũ làm thi, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống bất thường, hỗ trợ thí sinh dự thi… nếu được làm tốt sẽ là cơ sở cho thành công của kỳ thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã tổ chức các đoàn công tác, đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương về chuẩn bị cho kỳ thi.

Qua làm việc trực tiếp với các địa phương và báo cáo của 63 tỉnh, thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia, có thể thấy, các địa phương đã chủ động, khẩn trương, chu đáo, toàn diện trong chuẩn bị tổ chức kỳ thi.

Các tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng.

Cùng với triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tuỳ theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức kỳ thi.

Các địa phương xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Ngành Giáo dục địa phương đã chỉ đạo để học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT. Từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có nhiều phương thức, cách thức hỗ trợ học sinh hoàn thành chương trình, ôn tập hiệu quả và tổ chức từ một đến nhiều đợt thi thử.

Đặc biệt, các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, sau 3 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 với biết bao khó khăn, thử thách. Đây là năm kỳ thi quay về trạng thái bình thường, thời gian thi thay đổi trở về vào thời điểm cuối tháng 6 như thời gian trước khi có dịch Covid-19. Học sinh lớp 12 dự thi năm nay đã có một năm học cuối cấp trọn vẹn học trực tiếp.

Tuy nhiên, lứa học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay đã có 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, các trường đã phải tăng cường tổ chức ôn tập nhằm giúp các em có được kiến thức và tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi.