Thị trường thương mại điện tử tiếp tục đà tăng trưởng hậu Covid-19

Sau giai đoạn cao điểm dịch Covid-19, thương mại điện tử đã trở thành thói quen mua sắm của người tiêu dùng cùng với cách thức trực tiếp.

Ngày 18/10, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến tại Tp.HCM với chủ đề “New Social Marketing”.

Theo thông tin từ diễn đàn, đại dịch đã làm thay đổi hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng.

Người mua sắm trên các trang mạng xã hội không chỉ đọc thông tin và nhấp vào nút “mua ngay” hiển thị trên quảng cáo, phần lớn họ đang sử dụng mạng xã hội trong mọi giai đoạn của hành trình mua hàng.

Các doanh nghiệp đang bắt đầu coi mạng xã hội là một kênh dịch vụ khách hàng quan trọng khi phần lớn công chúng đồng ý rằng dịch vụ chăm sóc khách hàng xã hội đã gia tăng giá trị cho doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ: “Qua 2 năm dịch, hành vi mua hàng của người tiêu dùng đã hoàn toàn thay đổi. Sự dịch chuyển mua sắm lên trực tuyến tăng nhanh gấp 3 lần so với trước đó”.

Từ đó, doanh nghiệp đối mặt với tình huống bắt buộc phải thay đổi để tiếp cận nhóm khách hàng đã thay đổi hành vi này. Chính do đó, Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2022 nhằm mang đến những cập nhật mới về xu hướng tiếp thị trong thời đại mới đến với cộng đồng.

thuong-mai-dien-tu-5-1666082531.jpeg

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phát biểu khai mạc.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc vận hành NielsenIQ trình bày: “Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến một danh mục sản phẩm để giúp tối ưu tiềm năng bán hàng của doanh nghiệp. Đó là sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, khả năng chi tiêu và hạn chế về chuỗi cung ứng”.

Hiện, đã có sự thay đổi hành vi người tiêu dùng với những nhu cầu mới nổi lên như y tế, sức khỏe, chuộng hàng nội địa… Khi ví tiền của người tiêu dùng giữ nguyên hoặc thậm chí thu hẹp, họ cần thay đổi sự ưu tiên, tìm kiếm những sản phẩm có giá trị thiết yếu.

Một yếu tố không kém phần quan trọng là do hạn chế về chuỗi cung ứng khiến số lượng hàng hóa bán ra giảm. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh (FPMG), nhà bán lẻ cũng như nhà sản xuất cần lên kế hoạch thích nghi với những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng đồng thời tận dụng cơ hội để đổi mới.

Theo ông Trần Minh Đức, có ba động lực chính gồm kênh phân phối, giá cả khuyến mãi và tối ưu hóa danh mục sản phẩm sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng và tối đa tiềm năng doanh số.

Đồng thời, Việt Nam là thị trường rất nhạy cảm về giá khi độ co giãn tiêu chí này cao nhất so với các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á.

Thị trường Việt Nam cũng là một thị trường bị ảnh hưởng rất nhiều bởi khuyến mãi. Có 56% doanh thu được tạo ra từ các chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, dù bị ảnh hưởng nhiều nhưng hiệu quả được tạo ra từ hình thức này chỉ có 29%.

thuong-mai-dien-tu-3-1666082570.jpeg

Chương trình thu hút đông đảo sự quan tâm của các cộng đồng, doanh nghiệp.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại điện tử của Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định.

Doanh thu từ thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.

Tốc độ tăng trưởng sẽ còn tiếp tục vì thói quen mua sắm thay đổi qua thương mại điện tử đã phổ biển với người dân đô thị, cùng với những tiện lợi trong việc thanh tóan trực tuyến. Dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ đạt đến 16,4 tỷ USD vào năm nay.