Từ tháng 9, nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, mì ăn liền,... tăng giá

Thông tin từ Sở Tài chính Tp.HCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2023 tăng 0,56% so tháng trước.

Theo đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 2,44% so tháng trước (tháng 9/2022 tăng 0,04%) chủ yếu do giá gạo tăng 3,73%, giá bột mì và ngũ cốc khác tăng 0,38%, lương thực chế biến tăng 0,37%.

Giá gạo tiếp tục tăng trong thời gian qua do Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ đã làm giá gạo xuất khẩu tăng kéo theo giá gạo trong nước.

So tháng 12/2022, nhóm lương thực tăng 7,09% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,32%) chủ yếu một số mặt hàng gạo các loại tăng 3,91%-12,68%, bột mỳ đóng gói tăng 3,01%-6,62%, mỳ ăn liền, phở ăn liền tăng 0,78%-3,93% do giá nguyên liệu và bao bì tăng.

So tháng trước, giá các mặt hàng gạo nếp, gạo tẻ tăng 3,31%-5,71%.

Giá bán các mặt hàng gạo tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết Giáp Thìn năm 2024 hiện ở mức:

Gạo trắng thường 5% tấm là 16.000 đồng/kg (không bao bì) và 17.000 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg, 10kg, 25kg).

Gạo Jasmine: 17.000 đồng/kg (không bao bì) và 19.000 đồng/kg (bao bì PA/PE, túi 5kg).

Chỉ số giá thực phẩm tăng 0,1% so tháng trước (tháng 9/2022 tăng 0,08%), chủ yếu do giá thịt chế biến tăng 0,74%; giá thịt quay, giò, chả tăng 0,78%; thịt hộp tăng 0,81% do chi phí đầu vào tăng.

Giá thủy sản tươi sống tăng 0,26%, giá thủy sản chế biến tăng 0,36% do điều kiện thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến việc đánh bắt của ngư dân.

Giá nước mắm, nước chấm tăng 1,09%; giá bánh, mứt, kẹo tăng 0,18%; giá chè, cà phê, ca cao tăng 0,09% do chi phí nguyên liệu đầu vào và vận chuyển tăng.

Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 0,87%; giá quả tươi, chế biến tăng 1,18%. Do yếu tố thời tiết có nhiều mưa đã ảnh hưởng đến năng suất một số loại rau, quả cùng với đó là nhu cầu sử dụng nhiều rau, quả cho các món chay trong tháng Vu Lan báo hiếu.

Một số mặt hàng tăng giá so tháng trước như: thịt gia cầm tăng 0,23%; trứng các loại tăng 0,16%; ... do chi phí chăn nuôi, vận chuyển tăng khiến nhiều người chăn nuôi gặp khó nên thu hẹp quy mô dẫn đến nguồn cung giảm.

Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng giảm giá so với tháng trước: thịt gia súc giảm 0,53%; dầu mỡ ăn và chất béo khác giảm 0,49%; các loại đậu và hạt giảm 0,53%; đồ gia vị giảm 0,39%; sữa, bơ, phô mai giảm 0,40%; ... do nhu cầu giảm.

So tháng 12 năm 2022, nhóm thực phẩm giảm 0,02% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,32%) chủ yếu do một số mặt hàng thịt gia súc giảm 1,01%-4,7%; thực phẩm chế biến giảm 1%-2,77%; trứng gia cầm giảm 2,79%-7,31%; dầu ăn giảm 0,256%-2,91%; tôm nuôi nước ngọt giảm 7,01%...

Giá một số hàng hóa, dịch vụ khác như vật liệu xây dựng so tháng trước, giá bán mặt hàng vật liệu xây dựng như cát đen san lấp, cát vàng xây dựng 0,2%-0,36%, thép các loại giảm 0,6%-1,06%, các mặt hàng còn lại như xi măng, đá dăm, cát đen xây dựng, sơn tường, gạch xây, gạch lát nền, gạch bê tông, tấm lợp, ngói lợp, bột trát tường ổn định.

So tháng 12 năm 2022, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng 1,12-11,05%, riêng thép cây giảm 0,52%, sơn tường 0,98%- 4,33%, gạch lát nền giảm 1%, ngói lợp giảm 7,17%.

Ngày 1/9/2023, giá gas thế giới tăng 90USD/tấn so tháng trước, hiện ở mức 555USD/tấn. Theo đó, kể từ ngày 1/9/2023, giá bán lẻ gas trong nước cũng đã được điều chỉnh tăng 2.750 đồng/kg gas so với tháng trước, tương đương tăng khoảng 33.000 đồng/bình 12 kg.

Như vậy, giá gas đã có tháng thứ hai tăng liên tiếp sau các tháng giảm. Dự báo giá gas có thể tiếp tục tăng vào các tháng cuối năm do nhu cầu nhiên liệu dự trữ cho mùa đông.

Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và 4 lần tăng (tháng 2, tháng 5, tháng 8 và tháng 9).

So tháng trước, giá gas tăng 8,85%; so tháng 12 năm 2022, giá gas giảm 5,42%.