Hơn 300 mã giảm giá, chứng khoán lại mất mốc 1.300 điểm

Dù mới lấy lại được mốc kháng cự quan trọng nhưng VN-Index đã không giữ được do rung lắc mạnh khi nhà đầu tư "xả hàng" cổ phiếu thép, dầu khí, phân bón, thủy sản...

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch 10/6 "kém sáng" khi sắc đỏ phủ kín ở các mã cổ phiếu lớn khiến VN-Index nhanh chóng bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu.

Áp lực bán mạnh xảy ra ở nhiều cổ phiếu lớn, trong đó, các mã như ACB, BCM, PLX, PNJ... đều chìm trong sắc đỏ. Đà bán mạnh tiếp diễn cho đến khoảng hơn 10h sáng.

Thời gian sau đó, VN-Index ghi nhận dòng tiền đổ về và loạt các cổ phiếu lớn phục hồi, tăng điểm như VCG, BVH, VCB, MWG, HPG, NVL… Các chỉ số có sự hồi phục tốt khi lực cầu dâng cao ở hầu hết các nhóm, VN-Index đảo chiều và tăng trở lại gần 1 điểm. Đây cũng là thời điểm duy nhất trong ngày chỉ số chứng khoán xác lập đà tăng, còn lại, thị trường vẫn liên tục giảm. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 6,49 điểm.

Mức giảm trên không phải mức cao nhất của thị trường. Đến phiên chiều mới là thời điểm cổ phiếu bị các nhà đầu tư "xả" mạnh. Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu như thuỷ sản, bán lẻ, dầu khí, thép, logistic, năng lượng… vấp phải áp lực bán mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 23,72 điểm, tương ứng 1,81% xuống 1.284,08 điểm. VN-Index lại một lần nữa đánh mất mốc 1.300 điểm. Toàn sàn có 85 mã tăng, 375 mã giảm và 37 mã đứng giá. HNX-Index giảm 6,3 điểm, tương ứng 2,01%. Toàn sàn có 61 mã tăng, 161 mã giảm và 36 mã đứng giá.

Các mã thủy sản, logistic vốn là các mã "khỏe" trong thời gian thị trường giảm mạnh thì nay cũng đồng loạt lao dốc, VHC, ANV, ACL, HAH, CMX đều giảm sàn, CMX giảm 5,8%. Tại nhóm năng lượng, REE giảm sàn, BCG giảm 5,4%, PC1 giảm 6,1%...

anh-chup-man-hinh-2022-06-10-luc-153129-1654913183.png

Những mã tác động mạnh nhất tới phiên giao dịch ngày 10/6. (Ảnh: Fireant)

Hai cổ phiếu nhóm phân bón DCM và DPM đều giảm sàn. Bên cạnh đó, BFC giảm mạnh 5,7%, SFJ giảm 1,9%... Tại nhóm bán lẻ, MWG giảm 1,9%, FRT giảm 1,3%, DGW giảm 3,7% và PNJ giảm mạnh nhất hơn 6%.

Cổ phiếu dầu khí là nhóm ngành tác động tiêu cực nhất tới thị trường. Trong đó, GAS và PLX nằm trong nhóm tác động xấu nhất tới chỉ số. Mã GAS là mã tác động xấu nhất toàn phiên ngày 10/6 do giảm kịch sàn. Không có mã nào thuộc nhóm dầu khí ghi nhận sắc xanh, sắc đỏ phủ bóng toàn ngành suốt từ phiên sáng.

Cổ phiếu TDH của Nhà Thủ Đức nhích nhẹ hơn 1% lên 6.910 đồng/cổ phiếu. Nhà Thủ Đức mới đây đã thông báo miễn miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT của ông Dương Ngọc Hải, đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Hoàng giữ vị trí thay thế kể từ ngày 9/6. Thông báo đánh mốc mốc sau hơn 4 tháng gần nhất, Nhà Thủ Đức đã trải qua 4 đời chủ tịch HĐQT.

Cổ phiếu thép vẫn tiếp tục diễn biến xấu. HPG, HSG, NKG… đều giảm điểm. Nhóm ngân hàng có nhiều mã nằm trong nhóm tác động xấu tới chỉ số như BID, CTG, VPB… Tại nhóm bất động sản, NVL, KBC, ITA, KGC lại nằm trong nhóm tác động tích cực nhất tới chỉ số. Dòng tiền cũng ghi nhận đổ tích cực vào nhóm vật liệu xây dựng, bất động sản.

anh-chup-man-hinh-2022-06-10-luc-153039-1654913254.png

Cổ phiếu FLC quay đầu giảm mạnh trong phiên họp ĐHĐCĐ bất thành. (Ảnh: SSI)

Cổ phiếu nhóm FLC đồng loạt giảm mạnh. Trong đó, 3 mã FLC, HAI, ROS giảm sàn. KLF giảm 5,4%, AMD giảm 6,4%. Cả hai mã này đều có thời điểm khớp lệnh tại mức giá sàn. Sáng nay, ngày 10/6, Tập đoàn FLC tổ chức họp cổ đông bất thường, để trình thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung. Đồng thời, công ty sẽ bầu 2 người thay thế, trong đó có một người là thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Tuy nhiên, đến thời điểm khai mạc, tổng số cổ đông tham dự chỉ chiếm 33,7% vốn điều lệ, không đạt điều kiện trên 50% để có thể tổ chức họp theo Luật Doanh nghiệp. Theo Tổng giám đốc FLC Bùi Hải Huyền, phiên họp bất thường lần hai dự kiến sẽ được tổ chức ngày 2/7.

Tại sàn HoSE, thanh khoản đạt gần 17.000 tỷ đồng, tăng so với phiên giao dịch ngày 9/6. Nhóm VN30 thanh khoản đạt 6.000 tỷ đồng với 153 triệu cổ phiếu được sang tay. Nhóm này phiên ngày 10/6 có tới 25 mã ghi nhận giảm giá.

Khối ngoại giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng nhưng lại bán ra 921 tỷ. Tính chung, trong phiên ngày 10/6, khối ngoại mua ròng 86 tỷ đồng, đánh dấu 5 phiên mua ròng liên tiếp. STB, HDB, DGC, GMD, MSN… được mua nhiều nhất. Ngược lại, CTG, GAS, VNM, PVD… bị bán mạnh nhất, khối lượng từ 30-40 tỷ đồng