Ngành thép thoái trào, VN-Index kiểm định mốc 1.000 điểm

Khối ngoại tích cực đẩy bán cổ phiếu của Hoà Phát, cầu bắt đáy vào kịp thời, tuy nhiên thị trường chung vẫn chưa thể bứt tốc mạnh.

Mở cửa phiên giao dịch cuối tháng 10, thị trường xanh nhẹ nối tiếp đà phục hồi những phiên trước, tuy nhiên dấu hiệu của các cổ phiếu thép thay nhau giảm sàn, đơn cử HPG, NLG, TNA, POM, HSG trong bối cảnh kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý III đã khiến VN-Index quay đầu, sắc đỏ lan toả toàn thị trường.

Nhóm vốn hoá lớn cùng các cổ phiếu dầu khí cũng chứng kiến mức biến động tiêu cực nhất khi đỏ đồng loạt như MBB, VIC, TCB, PVS, PVD, PVC, PLX,… Nhóm bất động sản cũng không kém cạnh khi lần lượt chứng kiến mức giảm của KBC, DIG, NVL, TDC, ACC,…

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 13 điểm, tương ứng 1,37% xuống 1.014,36 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng, 360 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,07 điểm xuống 210,66 điểm. Toàn sàn có 40 mã tăng, 122 mã giảm và 35 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,56 điểm, tương ứng 0,74% xuống 75,53 điểm.

anh-man-hinh-2022-10-31-luc-145538-1667206952.png

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 31/10 (Nguồn: FireAnt).

Càng về phiên chiều, số lượng mã giảm tiếp tục áp đảo, VN-Index quay đầu giảm sâu hơn, có lúc chạm đến mốc 1.005 điểm, kiểm định lại mốc 1.000, lực bán dồn vào các cổ phiếu vốn hoá lớn. Ngay sau đó, thị trường thu hẹp đà giảm và đã cải thiện dần, chỉ trong 2 tiếng giao dịch chiều, VN-Index biến động tới 22 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng nhẹ 0,58 điểm, tương ứng 0,06% lên 1.027,95 điểm. Toàn sàn có 138 mã tăng, 317 mã giảm và 66 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,3 điểm, tương ứng 1,54% xuống 210,43 điểm. Toàn sàn có 60 mã tăng, 128 mã giảm và 43 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,2 điểm, tương ứng 0,26% lên 76,29 điểm. Nhóm VN30 giảm 0,26% với 13 mã đỏ lửa.

Nhóm cổ phiếu “vua” tuy rải rác vài mã giảm nhưng nhìn chung vẫn tăng nhờ “anh cả” VCB tăng 2,65% dẫn đầu, theo sau là BID tăng 2,22%, TCB tăng 0,82%, CTG tăng 2,29%, MBB tăng 0,28% và SHB tăng 4,09%,….

Tác động tích cực nhất đến thị trường chung là nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng 1,54%, trong đó phải kể đến HCM của CTCP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh tăng kịch trần ngược chiều xu hướng của phiên, ngoài ra SSI, VCI, MBS, FTS, VIX, AGR cũng đóng góp đà tăng của ngành.

Cổ phiếu HPG của Hoà Phát giảm sàn về mức giá 15.650 đồng/cổ phiếu sau khi công bố Báo cáo tài chính quý III với lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ cao nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, HSG, NKG, VGS cũng chứng kiến mức giá chạm sàn, ngành thép ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong quý III/2022.

Chiều ngược lại, thị trường vẫn ghi nhận các cổ phiếu tăng điểm phân hoá ở từng nhóm ngành, kể đến GAS tăng 1,93%, VNM tăng 0,64%, MSN tăng 1,91%, VHM tăng 0,22%, ACV tăng 1,22%, FPT tăng 0,8%, MCH tăng 0,41%,…

anh-man-hinh-2022-10-31-luc-154406-1667206981.png

Top cổ phiếu tác động mạnh nhất đến chỉ số thị trường.

Mức thanh khoản ngày hôm nay không thay đổi quá nhiều so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 12.540 tỷ đồng, giảm 13% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 11.420 tỷ đồng, giảm gần 14%. Nhóm VN30 được sang tay gần 4.690 tỷ đồng.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, khối này quay đầu mua ròng 230 tỷ đồng sau 4 phiên bán ròng, trong đó giải ngân 584 tỷ đồng và bán ra 723 tỷ đồng. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã KDH 105 tỷ đồng, MSN 53 tỷ đồng, VNM 31 tỷ đồng, PVD 27 tỷ đồng,….

Tại phía bán ròng khớp lệnh, nhà đầu tư ngoại chủ yếu rút vốn khỏi cổ phiếu HPG 313 tỷ đồng. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã KBC 27 tỷ đồng, DPM 17 tỷ đồng, VCI 15 tỷ đồng,…